Vì sao các doanh nghiệp SME nên thực hiện báo cáo ESG?
Theo nhiều chuyên gia, mặc dù có nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nên áp dụng báo cáo ESG để vươn lên.
Theo các chuyên gia, ngân sách hạn chế, thách thức về nhân lực và thiếu hiểu biết là một số vấn đề ngăn cản các doanh nghiệp SME bắt tay vào việc thực hiện báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Ong Gin Keat, Giám đốc phát triển kinh doanh và phát triển bền vững tại công ty chế biến phụ Envcares, cho biết mặc dù có rất nhiều cuộc thảo luận về báo cáo ESG, nhưng không nhiều công ty hiểu đầy đủ về những gì mà báo cáo này yêu cầu.
“Các doanh nghiệp SME chưa nhận biết được báo cáo ESG sẽ ảnh hưởng đến công ty như thế nào?” ông Gin Keat chia sẻ và cho biết thêm, đó là những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, và điều quan trọng nhất là mọi người trong công ty cần phải hiểu được mục đích của việc thực hiện báo cáo ESG.
Bà Allinnettes Adigue, Giám đốc Trung tâm Khu vực ASEAN của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI) đã chỉ ra rằng việc thực hiện các yêu cầu về báo cáo ESG ở nhiều quốc gia, bao gồm Singapore, thường tập trung vào các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, với việc sắp có quy định bắt buộc về báo cáo khí hậu, các tập đoàn lớn sẽ sớm phải công khai lượng khí thải Phạm vi 3 của họ.
Bà nói: “Lượng khí thải này, có thể chiếm đến 70% dấu chân carbon của một công ty, chủ yếu phát sinh từ các nguồn gián tiếp như chuỗi cung ứng, làm cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG ngày càng trở nên quan trọng đối với các SMEs. Khi các tập đoàn lớn ưu tiên các đối tác phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu, các SMEs phải thích ứng để duy trì tính cạnh tranh cũng như duy trì các mối quan hệ kinh doanh.”
Mặc dù vậy, các SMEs vẫn đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm nguồn lực hạn chế, thiếu chuyên môn, và sự phức tạp trong việc thu thập dữ liệu.
Để khắc phục những khó khăn này, các chuyên gia cho rằng, việc cung cấp các biện pháp hỗ trợ cho các SMEs thông qua tài chính, nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức là rất quan trọng nhằm giúp họ chuyển đổi sang một nền kinh tế ít carbon.
Hari Nair, Giám đốc điều hành của Zuno Carbon, một nền tảng quản lý ESG cho phép các công ty theo dõi và báo cáo lượng khí thải nhà kính của doanh nghiệp cho biết việc tham gia vào báo cáo về tính bền vững cũng mang lại những lợi ích hữu hình cho chính các doanh nghiệp.
Chuyên gia này giải thích: “Khi bạn nhìn vào các công ty lớn có chuỗi cung ứng đặt tại Đông Nam Á, phần lớn các chuỗi cung ứng đó được tạo thành từ các SMEs. Khi các vấn đề về ESG và tính bền vững trở nên quan trọng đối với các công ty lớn, họ bắt đầu đánh giá cao các số liệu và báo cáo ESG từ các SMEs. Do đó, các SMEs tham gia thực hiện báo cáo ESG có thể có lợi thế hơn trong việc ký kết hợp đồng với các tập đoàn đa quốc gia.
Dữ liệu do các SMEs thu thập và thông tin chi tiết về hoạt động và chuỗi cung ứng của họ cũng có thể giúp xác định nguồn lực nào đang bị sử dụng quá mức, và quy trình nào có thể được tối ưu hóa, từ đó có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động.
Chuyên gia Ong Gin Keat của Envcares nhận định rằng, để đảm bảo các nhân viên hiểu được tầm quan trọng của báo cáo ESG, các công ty có thể đưa họ đến tham dự các khóa học có liên quan, đồng thời hỗ trợ và tham gia các sự kiện với các doanh nghiệp xã hội.
Mặc dù có một số điểm khó khăn đối với các SMEs khi áp dụng thực hành báo cáo ESG, nhưng đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu. Ông dự đoán rằng các SMEs sẽ cởi mở hơn trong việc áp dụng các thực hành ESG khi các công ty niêm yết lớn hơn ngày càng được yêu cầu thực hiện báo cáo ESG.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đều đồng thuận rằng, cần phải áp dụng một hệ thống đáng tin cậy cho các số liệu ESG, và việc nhân viên hiểu được lợi ích của báo cáo ESG phải bắt đầu từ Ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp