Về Tây Bắc theo chân mùa Lễ hội Pay Tái
Người Kinh có Tết Trung Nguyên, tức là ngày rằm tháng 7 (ngày xá tội vong nhân hay Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ) thì Tày cũng có Tết Pay Tái để báo ơn công sinh thành dưỡng dục.
Cứ độ ngoài mùng 10 tháng 7 âm lịch là các mẹ, các chị lại sửa sọạn váy áo, lễ phẩm để Pay Tái (Pay là đi, Tái là về, Pay Tái có nghĩa là đi về), theo quan niệm của người Tày thì khi người con gái đã xuất giá thì quanh năm làm lụng và phụng dưỡng gia đình nhà chồng chỉ có rằm tháng 7 là dịp quay lại nhà đẻ để báo hiếu mẹ cha sinh thành.
Lễ phẩm mang theo về nhà mẹ bao gồm xôi ngũ sắc (màu xanh làm từ lá dứa, màu đỏ, tím làm từ lá Cơn Nênh ở rừng, màu vàng từ nghệ và màu trắng là màu tự nhiên của gạo), cùng hai con gà và hai con vịt.
Theo phong tục người Tày, xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ. Xôi nếp dẻo thơm với năm loại màu sắc tươi mới tượng trưng cho ngũ hành, làm nên sự tươi tốt của Thiên – Địa – Nhân. Xôi được làm từ gạo nếp Tú Lệ, đặc sản nông nghiệp của quê hương Yên Bái, gạo được ngâm trong nước sạch 12 giờ sau đó vo hết nước cám đục. Lá cây phải lựa chọn lá không già quá cũng không non quá, rửa sạch luộc lên lấy nước để nguội, gạo đã vo sạch bỏ vào nước lá ngâm chừng 1 giờ sau đó gạn sạch nước lá chế thêm nước cốt dừa cho xôi mềm và ngậy.
Xôi ngũ sắc có năm màu đặc trưng là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Màu trắng là màu tự nhiên của gạo, những màu xanh, đỏ, tím, vàng đều được làm từ củ và lá cây rừng. Mỗi màu có một ý nghĩa riêng,màu đỏ là màu tượng trưng cho khát vọng, màu tím tượng trưng cho trời đất trù phú, màu vàng tượng trưng cho sự no đủ, màu xanh tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc, màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng và sự thủy chung.
Thịt gà là để cúng gia tiên, hai bên họ bố và họ mẹ nhằm báo hiếu tiền nhân. Thịt vịt là để cúng trời. Theo truyền thuyết, vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, vì con vịt là vị sứ giả của hồng trần với mường trời. Con vịt có công cõng phẩm Lễ Khảm Hải (vượt biển) đi cống sứ mường trời vào ngày rằm tháng 7 hằng năm, để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi cho người nông dân.
Trong dịp này, các cô gái Tày đi lấy chồng xa có dịp gặp lại bạn bè thời ấu thơ. Họ ngồi quây quần bên nhau hàn huyên, chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, về chồng con rồi cùng nhau “kin khẩu nua kin nựa cáy, kin nựa pất” (nghĩa là cùng nhau ăn cơm nếp, ăn thịt gà, ăn thịt vịt) cũng kéo dài như những câu chuyện của họ đến khi tiếng chim Từ Quy lặng dần cho vầng dương tỉnh giấc.
Ngày nay, cộng đồng người Tày trên khắp vùng Tây Bắc vẫn giữ được truyền thống tổ chức Tết Pay Tái vào ngày rằm tháng 7 Âm Lịch. Với họ, đây là một nét đẹp văn hóa, mang giá trị nhân văn, giáo dục về lòng hiếu thảo và là một cách rất riêng để giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.