VCCI luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành tại buổi “Gặp mặt Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội viên VCCI khu vực Miền Trung – Tây Nguyên năm 2023” do VCCI Đà Nẵng tổ chức.
Chia sẻ tại buổi “Gặp mặt Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội viên VCCI khu vực Miền Trung – Tây Nguyên năm 2023”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho hay: kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát cao, tăng trưởng thấp, cạnh tranh địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội của Tổng Cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt kỷ lục 8,02%, cao nhất giai đoạn 2011-2022.
Hiện tại, hoạt động xuất, nhập khẩu đảm bảo kết nối hàng hóa với thế giới và có mức thặng dư tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 27,72 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, trong năm 2022, cả nước có 208,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 30,3%, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2017-2021 (167.029 doanh nghiệp). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 38,8%.
“Mặc dù vậy, tình hình doanh nghiệp trong năm qua vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, trước bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, VCCI đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức hoạt động theo hưởng chuyên nghiệp, hiệu quả, tăng tính sáng tạo. Trong năm 2022, VCCI đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động góp ý xây dựng pháp luật. chính sách, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế”, Phó Chủ tịch VCCI cho hay.
Thông tin từ Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, điểm sáng của VCCI thời gian qua là hoạt động công bố Xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, khởi động Chương trình Chỉ số Xanh cấp tỉnh (Green Index). Cùng với đó, VCCI đã triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh, nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch. Trong đó, nổi bật có Đề án “Kết nối kinh tế hành lang cao tốc phía Đông”, Đề án “Tăng cường hợp tác xây dựng môi trường truyền thông báo chí hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”.
“VCCI đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, tổ chức các diễn đàn, giao lưu thương mại, các đoàn khảo sát thị trường. Năm 2022, số lượng đoàn ra/vào tăng mạnh so với năm trước với 20 đoàn ra nước ngoài và đón gần 100 đoàn lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp các nước thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong đó, điểm nhấn là sự kiện Việt Nam đăng cai Kỳ họp thứ ba của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) tại Hạ Long, Quảng Ninh (07/2022)”, Phó Chủ tịch VCCI thông tin thêm.
Vẫn theo ông Võ Tân Thành, những tháng đầu năm 2023, tuy nền kinh tế – xã hội đã có nhiều dấu hiệu tích cực như khách quốc tế đến Việt Nam tăng 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, xuất siêu đạt 2,82 tỷ USD. Tuy nhiên xuất nhập khẩu giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) binh quân tăng 4,6%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3%. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp ngưng hoạt động, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới được hầu hết các tổ chức quốc tế dự bảo tăng trưởng chậm lại do cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn vẫn còn tiếp diễn, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch VCCI nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ hạ còn 6,3%. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại các nước này gia tăng cao.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố mới đây đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Kịch bản thứ nhất, GDP đạt 6,47%, lạm phát binh quân 4,08%, tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD. Kịch bản thứ hai tích cực hơn khi tăng trưởng GDP đạt 6,83%, làm phát 3,69%, tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại là 8,15 tỷ USD.
Riêng với khu vực miền Trung, Nghị quyết số 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển, có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khi hậu,… Và đến năm 2045, vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á.
Trong đó, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng khu vực Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ. Phát triển công nghiệp chế biến là động lực, phát triển du lịch là đột phủ. Chính phủ cũng đã đề ra Chương trình hành động phát triển hai vùng chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại, gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biến và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
“Trước tình hình trên, trong thời gian tới, VCCI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp hội viên thông qua các hoạt động cụ thể và thiết thực như xây dựng các chương trình, đặc quyền dành riêng cho hội viên. Tăng cường xúc tiến quảng bá về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đến các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, VCCI tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phi đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bìh đẳng, thông thoáng, thúc đẩy cung – cầu, giảm áp lực lạm phát”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho biết.
Về hoạt động trong thời gian qua, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã luôn là người bạn đồng hành, lắng nghe, tập hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó thực hiện nhiều khuyến nghị, góp ý chính sách về các vấn đề hội nhập, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và tiên phong trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh cho doanh nghiệp.
“Tôi tin rằng sự kiện họp mặt hội viên hôm nay sẽ là dịp để các hiệp hội, doanh nghiệp và hội viên tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên chia sẻ những khó khăn, thách thức trước tình hình kinh tế hiện nay cũng như trao đổi những giải pháp tháo gỡ, thích nghi và phục hồi trong bối cảnh mới. Sự kiện cũng là cơ hội đề VCCI nói chung và VCCI Chi nhánh Đà Nẵng nói riêng đối thoại với hội viên để xác định được các thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt để triển khai các chương trinh, hoạt động hỗ trợ kịp thời”, Phó Chủ tịch VCCI nói thêm.
Tại buổi “Gặp mặt Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội viên VCCI khu vực Miền Trung – Tây Nguyên năm 2023” có gần 300 đại biểu tham dự, 50 doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm, dịch vụ… Buổi gặp mặt nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong kết nối kinh doanh, đẩy mạnh tiệu thụ sản phẩm, hàng hóa; đồng thời, góp phần thực hiện chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt – hàng Việt chinh phục người Việt”.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn