VCCI hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong 2024
Mặc dù vẫn còn đó một số khó khăn, tuy nhiên, trong năm 2024 các ban, đơn vị VCCI trong toàn hệ thống đã nỗ lực vượt khó, đoàn kết, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao…
Triển khai công tác thường niên, sáng 27/12, Đảng đoàn, Đảng ủy, Ban Thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác của cơ quan quan năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công cho biết, trong năm 2024, các hoạt động truyền thống thuộc các mảng quan hệ quốc tế, pháp chế, doanh nghiệp phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nữ, truyền thông… có thể nói là điểm nhấn nổi bật.
Bên cạnh đó, việc VCCI đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Đảng đoàn VCCI triển khai Nghị quyết 41/NQ-TW. Đây là hoạt động vừa giúp nâng cao vị thế chính trị của VCCI vừa tạo điều kiện cho các đơn vị của VCCI xây dựng các chương trình, đề án thuộc các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho VCCI trong Nghị quyết này, qua đó có thể nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2024), VCCI đã tổ chức đoàn doanh nhân Việt Nam tiêu biểu tiếp kiến đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và trước đó là tổ chức đoàn doanh nhân tiêu biểu dự Hội nghị thường trực Chính phủ gặp doanh nghiệp.
“Một điểm nhấn nữa trong hoạt động VCCI trong năm 2024 là Ban Thường trực đã phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động của 25/31 đơn vị; đã rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định nội bộ cơ quan VCCI (gồm: Quy chế làm việc, Quy định về công tác cán bộ, Quy chế tài chính, Quy chế về công tác văn thư – lưu trữ); xây dựng mới các quy chế (gồm: Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản; Quy chế đầu tư, xây dựng cơ bản;
Quy chế tổ chức hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); ban hành Quy chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu (C/O); Quy chế thi đua, khen thưởng của cơ quan VCCI; Quy chế Thi đua khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc (đối với tổ chức, cá nhân ngoài VCCI). Đây là hoạt động tạo dựng nền tảng cho VCCI, giúp hệ thống VCCI hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Một số hoạt động nổi bật của VCCI trong năm 2024, như: đã tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với 548 Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, tăng 35% so với năm 2023, trong đó có nhiều Luật lớn và rất quan trọng, được các cơ quan xây dựng luật đánh giá cao; tổ chức 77 hội nghị, hội thảo đóng góp xây dựng luật thu hút sự tham gia của 8.038 lượt đại biểu là doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.Các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tổng kết thực tiễn được chú trọng nâng cao về chất lượng, nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản pháp luật đánh giá cao, tiếp thu và ghi nhận trong quá trình bổ sung, điều chỉnh chính sách kinh tế, văn bản pháp luật về kinh doanh.Đồng thời tích cực triển khai các hoạt động tham vấn với các địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp huyện, thị và sở, ngành (DDCI), thúc đẩy xây dựng chính sách phát triển bền vững thông qua thực hành Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), tuyên truyền, vận động doanh nghiệp áp dụng Bộ Chỉ số CSI…
Bên cạnh đó, trong năm 2024, VCCI tiếp tục chú trong đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị doanh nghiệp. Cụ thể, VCCI đã tổ chức 654 khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo chuyên đề (bao gồm cả hình thức trực tuyến) cho gần 32.400 lượt doanh nghiệp, tập trung vào xây dựng và vận hành mô hình quản trị doanh nghiệp 4.0, tăng cường năng lực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, bằng 90% của năm 2023.
Công tác lưu trữ, chuẩn hóa hồ sơ hội viên tiếp tục được chú trọng, việc đồng bộ hóa dữ liệu trong toàn bộ hệ thống bước đầu được thực hiện, duy trì tổ chức định kỳ Hội nghị hội viên theo khu vực. Công tác phát triển hội viên được duy trì ở mức khá. Số lượng hội viên kết nạp mới năm 2024 là 522 hội viên mới (tăng 18% so với năm 2023), thu hội phí đạt 10,48 tỷ đồng với 1.840/12.322 hội viên đóng hội phí (tăng 12,31% so với năm 2023). Công tác tôn vinh khen thưởng doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện với nhiều cải tiến theo hướng công khai, minh bạch, uy tín…
Cùng với các hoạt động chuyên môn, năm 2024, công tác Đảng cũng được Đảng ủy VCCI chỉ đạo, triển khai một cách quyết liệt, với một số hoạt động nổi bật như: Năm 2024, Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo các các đảng bộ, chi bộ trực thuộc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết Hội nghị Trung ương Khóa XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ VCCI lần thứ VIII; triển khai thực hiện Kế hoạch số 97-KH ĐUK ngày 28/7/2023 , để ngăn ngừa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ngày 30/10/2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4);…
Chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Triển khai thực hiện kết luận số 71-KH về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; phổ biến 02 Chỉ thị ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị: Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chỉ thị số 28-CT/TW về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc tới cán bộ, đảng viên…
Ngoài ra, về công tác Công đoàn tại VCCI cũng đã bám sát các mục tiêu và yêu cầu phát triển của cơ quan, góp phần tích cực đối với những thành tựu to lớn mà VCCI đã đạt được trong những năm gần đây.
Cùng với các kết quả đã và đang đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của công tác chuyên môn, công tác Đảng và Công đoàn năm 2024, từ đó rút kinh nghiệm để đưa ra mục tiêu, định hướng hoạt động trong năm 2025.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đưa ra các nội dung trọng tâm cần thực hiện trong năm 2025, Chủ tịch Phạm Tấn Công nêu rõ, năm 2025 sẽ tiếp tục là một giai đoạn có nhiều thách thức, nhưng cũng có nhiều cơ hội để VCCI tiếp tục đổi mới, lớn mạnh, khẳng định vị thế, vai trò trong cộng đồng doanh nghiệp và trong xã hội. Để thực hiện thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, Ban Thường trực VCCI rất cần sự ủng hộ và tích cực tham gia của các ban, đơn vị trên toàn hệ thống.
“Tôi đề nghị, toàn thể các cán bộ nhân viên VCCI hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng nhau lập nên các thành tựu mới cho đất nước, cho cộng đồng doanh nghiệp…”, Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp