Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch

Những giá trị, hành động đẹp, mang tính nhân văn, vì cộng đồng của doanh nghiệp đã truyền đi những thông điệp, những cảm hứng tích cực.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ về văn hóa là điểm tựa cho doanh nghiệp sau đại dịch.

Văn hoá là “điểm tựa” của doanh nghiệp trong đại dịch

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Minh

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, nguyên nhân tạo nên sức mạnh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn, thử thách nhưng vẫn trụ vững và phát triển ổn định là do doanh nghiệp đã xây dựng, kiến tạo được những giá trị văn hóa mang tính truyền thống, vững bền, được các thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động kiên trì, quyết tâm thực hiện, theo đuổi.

“Những giá trị, hành động đẹp, mang tính nhân văn, vì cộng đồng của doanh nghiệp đã truyền đi những thông điệp, những cảm hứng tích cực, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của công nhân, người lao động và sự ủng hộ, tin tưởng của người tiêu dùng”, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp, Đảng đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò to lớn của doanh nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển; đặc biệt trước những tác động của đại dịch Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc cho rằng, việc xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng tinh thần, động lực, sức mạnh để doanh nghiệp khẳng định uy tín, hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, nắm bắt thời cơ, vận hội mới.

Đồng thời khắc phục, đẩy lùi những khó khăn, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân thực hiện tốt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới sáng tạo, có nhiều cách làm hay, hiệu quả, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống tốt dịch bệnh.

Một số doanh nghiệp lớn, có uy tín và truyền thống lâu đời vẫn duy trì được tốc độ tăng trường, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Để doanh nghiệp phát triển bền vững, mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng xã hội, Đảng đề ra nhiệm vụ, chủ trương mang tính lâu dài là phải “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”, tạo môi trường thật sự lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, khoa học, nhân văn, vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển toàn diện con người.

Dịch bệnh vừa qua đã cho thấy, văn hóa doanh nghiệp góp phần giảm thiểu thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Văn hóa doanh nghiệp gồm nhiều yếu tố trong đó có những yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Đây được coi là nguồn tài sản quý báu, nền tảng để phát triển doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hình thành được văn hóa tốt sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, đồng thời có thể gây dựng thương hiệu trong mọi hoàn cảnh.

Chương trình bình xét, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cũng là một nội dung được VCCI triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử là đến 31/8/2022.

Ba bước tiếp theo trong quy trình bình xét là sơ tuyển, thẩm định thực tế và vòng chung tuyển sẽ thực hiện trong tháng 9/2022. Danh hiệu sẽ được trao tặng đúng dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Bên cạnh việc bình xét trao tặng Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, căn cứ hồ sơ các ứng viên trong vòng chung tuyển, Hội đồng bình xét sẽ đề xuất danh sách những doanh nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống đại dịch COVID-19 để tuyên dương tại Lễ công bố và trao danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực để ghi nhận và tôn vinh những doanh nhân đã có đóng góp xuất sắc cho cuộc chiến chống dịch trong hơn 2 năm qua. 

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button