Ứng dụng công nghệ – Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu nông sản Việt

Đây là chủ đề của Hội thảo do VCCI tổ chức mới đây nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. 

Ứng dụng công nghệ - Đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu nông sản Việt

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam (SFV-Export) thuộc VCCI cho biết, thời gian qua, giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế đất nước.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ,… Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản,… Trong đó EU là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi còn hạn chế, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Xuất khẩu chủ yếu là xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản, hay chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Theo bà Trần Thị Lan Anh, để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. 

TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đó là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới,…).

B.H (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button