Tỷ giá vẫn căng
Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng linh hoạt các công cụ tín phiếu và bán ngoại tệ để giảm áp lực nguồn cung trên thị trường, nhưng tỷ giá chưa thể hạ nhiệt ngay.
Theo thống kê, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,9% kể từ đầu năm đến nay, nhưng theo NHNN, tỷ giá vẫn trong kiểm soát.
Biến động trong kiểm soátTỷ giá trung tâm do NHNN công bố, áp dụng cho ngày 22/4 là 24.272 đồng/USD, tăng 12 đồng so với ngày 20/4. Tỷ giá tham khảo tại Cục Dự trữ Ngoại hối-NHNN áp dụng cho ngày 22/4 giữ nguyên như ngày 19/4, với chiều mua là 23.400 đồng/USD và bán ra là 25.450 đồng/USD.
Tỷ giá tham khảo của Vietcombank ngày 22/4 mua vào 25.145 đồng/USD, bán ra 25.485 VND/USD, tăng 45 đồng ở chiều mua và 12 đồng ở chiều bán. Tỷ giá trên thị trường phi chính thức vẫn cao ở cả 2 chiều mua, bán quanh 25.900 đồng/USD.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, lý do tỷ giá tăng là do kỳ vọng FED sớm hạ lãi suất trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam rất linh hoạt. Mặc dù chúng ta vẫn tiếp tục ổn định tỷ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn lên, xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới. Chúng tôi cũng sẵn sàng can thiệp nếu như tỷ giá tiếp tục có những tác động bất lợi”, ông Tú cho biết.
Vẫn kỳ vọng “hạ nhiệt”
Trên thực tế, NHNN đã có động thái can thiệp tỷ giá, sau phát hành tín phiếu là bán ngoại tệ, với những điểm đáng lưu ý:
Thứ nhất, tỷ giá tuy biến động cao, nhưng vẫn trong biên độ của NHNN đặt ra (trên dưới 5%).
Thứ hai, NHNN đã thực thi ở đợt can thiệp ngoại tệ giao ngay, dẫn đến tăng cung ngoại tệ, làm dịch chuyển đường cung ngoại tệ để dẫn đến kết quả tỷ giá giảm.
Thứ ba, NHNN sẽ tiến hành tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng. Tuy nhiên, liều thuốc này có tác dụng ra sao hay chỉ “trấn an tâm lý” ngắn hạn vẫn đang được thị trường theo dõi.
Như vậy, mục tiêu của NHNN đã rất rõ ràng: đảm bảo tính thanh khoản của thị trường ngoại hối; cộng hưởng gửi tín hiệu cho thị trường tạo kỳ vọng hợp lý về tỷ giá.
Công ty Chứng khoán Sinhan Việt Nam dự báo áp lực tỷ giá ngày càng gia tăng sẽ gây áp lực lên việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mở rộng của Việt Nam.
Tuy vậy, tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024, giúp VND không mất giá quá 3% trong cả năm 2024 nhờ (1) triển vọng cắt giảm lãi suất đồng thuận từ FED và các ngân hàng trung ương khác; (2) FDI và xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ; và (3) tác động từ việc hút ròng thanh khoản qua OMO của NHNN và cơ chế điều hành linh hoạt tỷ giá đang được thực thi.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn