Tỷ giá USD bứt tốc, điều gì đang xảy ra?
Tỷ giá VND/USD được các ngân hàng niêm yết trên biểu đã điều chỉnh tăng mạnh ngay trong phiên 18/9 -ngày giao dịch đầu tuần mới, vượt qua mốc 24.500 đồng.
Tại ngân hàng Vietcombank, so với giá ngoại tệ mua vào và bán ra hôm cuối tuần trước là 24.055VND/USD (mua vào tiền mặt) và 24. 455 VND/USD, tỷ giá niêm yết ngày 18/9 đã tăng mạnh với 24.160 VND/USD và 24.530 VND/USD, tức tăng 75 đồng ở cả hai chiều giao dịch.
Theo thống kê kể từ mốc cuối năm ngoái, giá USD tại Vietcombank đã tăng tương ứng trên 3%.
VietinBank, BIDV cùng các ngân hàng tư nhân như Techcombank, ACB, Eximbank và Sacombank cũng đã đồng loạt tăng giá USD mua vào – bán ra ở cả hai chiều giao dịch, và đưa tỷ giá vượt trên ngưỡng 24.500VND/USD.
Giá USD trên thị trường tự do theo khảo sát có mức chênh khoảng 200-300 đồng so với giá USD trong ngân hàng, được mua – bán ở mức 24.250 – 24.350 VND/USD, tăng 70 đồng ở chiều mua và 90 đồng ở chiều bán so với cuối tuần trước.
Trong hôm 18/9, NHNN cũng điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm và trần tỷ giá bán ra lên tương ứng 24.046 VND/USD và 25.198 VND/USD.
Theo CTCK Maybank Investment Bank (MSVN), lý do của áp lực tỷ giá trong thời gian gần đây, phần lớn đến trong quý 3/2023, do:
Thứ nhất, chỉ số USD-Index (DXY) tăng lên lên trên mức 105 điểm trước số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ bền vững hơn kỳ vọng bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt và lạm phát và lạm phát cơ bản tháng 8 của Mỹ tăng tốc mạnh hơn ước tính (tương ứng +0,6% t/t và +0,3% t/t);
Thứ hai, chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND thấp (~4%-5%/năm tại Mỹ so với 4,5%-5,5%/năm tại các Ngân hàng quốc doanh Việt Nam) trong bối cảnh kỳ vọng chung đồng USD sẽ mạnh lên.
Tuy nhiên, MSVN cho rằng, tỷ giá vẫn trong kiểm soát và chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục.
Theo Bộ phận Phân tích của CTCK này, trong các tháng còn lại cuối năm, hoạt động thương mại cũng như vay và trả nợ ngân hàng sẽ tăng lên, dự báo áp lực trên thị trường ngoại hối vẫn tiếp diễn.
“Chúng tôi chưa quan sát thấy sự can thiệp trực tiếp của NHNN khi tỷ giá bán USD niêm yết vẫn được NHNN neo khá xa so với tỷ giá giao dịch trên thị trường (25,198 VND/USD so với 24,430 VND/USD). Tuy nhiên, với mức mất giá gần 3% như hiện tại, chúng tôi cho rằng NHNN sẽ sớm có hành động cụ thể để bình ổn thị trường (theo quan sát lịch sử), dựa trên lượng dự trữ ngoại hối khoảng 95 tỷ USD. Chúng tôi duy trì dự báo VND sẽ mất giá trong khoảng 2%-3% trong năm nay.
Sự mất giá không đáng kể này cộng với thông điệp ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng của NHNN, chúng tôi cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn và trung hạn. Trong dài hạn, cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam liên tục dương nhờ thặng dư thương mại và dòng vốn FDI ổn định nhờ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ là các yếu tố hỗ trợ chính cho đồng VND”, các chuyên gia thuộc nhóm phân tích đánh giá.
Với diễn biến tỷ giá bứt tốc như hiện tại, giá VND/USD thực tế đã tiệm cận hoặc “leo” qua các mốc dự báo của các định chế quốc tế đưa ra.
Theo dự báo của Mizuho Bank, tỷ giá VND/USD vào quý 3 và quý 4/2023 sẽ lần lượt là 24.500 và 23.800.
Crédit Agricole CIB, Standard Chartered hay ANZ cũng đưa ra các mốc dự báo khác nhau. Crédit Agricole CIB cho rằng quý 3 và quý 4/2023, tỷ giá VND/USD sẽ lần lượt chạm mốc 23.300 và 23.000; Standard Chartered dự báo là 23.600 và 23.400 – khá sát với diễn biến hiện tại, mặc dù thị trường kỳ vọng tỷ giá sẽ không chạm tới mốc 23.600 trong thời gian ngắn; ANZ đưa ra dự báo quý 3 tỷ giá VND/USD là 23.350 và quý 4 là 23.250 đồng.
Trong khi đó, Shinhan Bank dự báo tỷ giá VND/USD ở quý 3 sẽ là 23.600 (23.500~23.700); quý 4 là 23.500 (23.400~23.600); trung bình năm là 23.537 (23.400~23.700). Trong nửa cuối năm từ đầu quý 3, Shinhan Bank dự báo, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ chịu áp lực tăng ngắn hạn do nhu cầu toàn cầu chậm lại, các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc không được như kỳ vọng và đồng Nhân dân tệ yếu. Sau đó, tỷ giá USD/VND sẽ quay đầu giảm với kỳ vọng Trung Quốc điều chỉnh các chính sách kinh tế của mình và lĩnh vực sản xuất toàn cầu thoát khỏi đáy và phục hồi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, diễn biến tỷ giá nhìn chung vẫn đang là vấn đề được các định chế, chuyên gia trong nước và quốc tế lưu tâm; bởi một số các yếu tố cho thấy kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang chịu nhiều tác động và vẫn đang trong cuộc chiến chống lạm phát, cũng như sự tăng giá của năng lượng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, lẫn tác động từ sự tăng trưởng thấp kéo dài hơn kỳ vọng từ Trung Quốc.