Tỷ giá năm 2024 có thể tăng ở mức 2-3%
Mặc dù tỷ giá USD tự do đang tăng cao hơn và nhanh hơn nhưng không quá ảnh hưởng đến thị trường. Trong năm 2024 này, biên độ mất giá của VND có thể từ 2 – 3% và là mức chấp nhận được.
Chỉ trong hơn 2 tuần đầu năm 2024, giá USD tại các ngân hàng và trên thị trường tự do đã nhích tăng. Tính đến ngày 18/1, giá USD trên thị trường tự do tăng gần chạm mốc 25.000 VND/USD.
Trước đây, những thông tin như vậy rất được giới ngân hàng và ngân hàng trung ương quan tâm vì tỷ lệ sử dụng đồng USD tự do trong thị trường rất lớn, các biện pháp kiểm soát thị trường chưa được sát sao. Tuy nhiên đến hiện tại, các vấn đề này đã được kiểm soát chặt chẽ.
Trong nỗ lực chống đô la hóa, vàng hoá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì lãi suất gửi USD tại ngân hàng đã đưa về mức bằng 0, vì vậy cùng với thị trường vàng, tình trạng vàng hóa hay đô la hóa nền kinh tế đã được khắc phục rất hiệu quả. Chính vì vậy trong giai đoạn gần đây, các vấn đề về thị trường tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá “chợ đen” đã không còn quá ảnh hưởng.
Bên cạnh đà tăng của tỷ giá USD tự do cao hơn và nhanh hơn, thì tỷ giá USD của các ngân hàng thương mại bán ra cũng tăng tương tự, nhưng vẫn ở trong biên độ có thể kiểm soát được. Theo góc nhìn của tôi, năm 2024 này, biên độ mất giá của VND sẽ từ khoảng 2 – 3% và là mức độ có thể chấp nhận được.
Đối với vấn đề tỷ giá tăng, chúng ta đều nhìn thấy chênh lệch giữa lãi suất đô – đồng vẫn âm do đồng tiền có xu hướng chạy về nơi lãi suất cao hơn. Như hiện tại, khi đồng USD có lãi suất cao hơn 5% thì người nước ngoài sẽ gửi USD nhiều hơn; đồng thời, các doanh nghiệp, ngân hàng cũng có xu hướng chuyển tiền sang tài khoản USD trong bối cảnh Việt Nam đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Tuy nhiên, rủi ro này càng ngày sẽ càng được hỗ trợ, nghĩa là chênh lệch sẽ giảm dần vì các biên bản họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều cho rằng sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 3 lần trong năm nay.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác hỗ trợ đó là lượng USD vào Việt Nam trên các tài khoản, dựa trên bốn luận điểm gồm: Thứ nhất, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2024; nhưng trong dài hạn, vấn đề Thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến dòng vốn này nếu chúng ta không có các chính sách phù hợp.
Thứ hai, làn sóng kiều hối tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, đặc biệt là đầu năm.
Thứ ba, thặng dư thương mại tiếp tục duy trì, tuy nhiên có thể thặng dư sẽ thấp hơn so với năm 2023 do nhu cầu nhập khẩu phục hồi dần, đưa thặng dư về lại mức bình thường và ổn định từ 1 – 5 tỷ USD.
Thứ tư, là yếu tố quan trọng cần quan sát chính là sự đảo chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, tiêu biểu là Fed. Nếu lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn, trong khi Việt Nam tiếp tục duy trì mức độ nới lỏng thanh khoản như hiện nay sẽ khiến áp lực từ chênh lệch lãi suất sẽ lại ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn ngắn hạn ra vào Việt Nam.
Khi nói về tỷ giá, chúng ta không chỉ nói về chênh lệch lãi suất vì nó chỉ ở một thị trường rất nhỏ, mà vấn đề cần quan tâm đó là cán cân thanh toán, trong đó có cán cân tổng thể và dự trữ ngoại hối.
Nếu dòng tiền USD của Việt Nam bị âm thì sẽ phải bù vào bằng dự trữ ngoại hối và ngược lại khi cán cân dương, sẽ mua dự trữ ngoại hối để đưa tiền đồng ra ngoài thị trường. Thực tế, nếu không có việc gì hoặc không có sự rút tiền ra khỏi Việt Nam quá lớn thì cán cân tổng thể được giữ vững hoặc dương giúp tỷ giá được ổn định.
Gần đây, trên thị trường hay nhắc đến vấn đề khối ngoại bán ròng, mặc dù dòng vốn FDI chảy vào vẫn tăng nhưng các nhà đầu tư gián tiếp lại rút vốn khỏi Việt Nam. Để cân lại dòng tiền, chúng ta sẽ phải nhìn sang dự trữ ngoại hối, thì đến nay dự trữ ngoại hối vẫn đang ổn định ở mức 87 tỷ USD (ngoại trừ đợt sụt giảm rất mạnh từ 100 tỷ USD về mức hơn 80 tỷ USD trước đó).
Trong thời gian tới, tôi cho rằng vẫn sẽ có những rủi ro nhất định, vì vậy chúng ta cần theo dõi chặt chẽ chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) và lãi suất trái phiếu Chính phủ. Sau một thời gian mọi người kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, chỉ số DXY đã sụt giảm về 101 điểm, nhưng hiện tại lại đang tăng lên mốc 103.
Cùng với đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm giảm xuống mức dưới 4% và gần đây cũng đang tăng trở lại. Mặc dù vậy, những yếu tố này không lớn và không quá tác động đến tỷ giá, bởi vì năm 2024, việc Việt Nam tập trung vào tăng trưởng quan trọng hơn rất nhiều, đồng thời sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo quan sát của tôi trên thị trường, giá USD tự do đa phần đang bị ảnh hưởng lớn từ chênh lệch của giá vàng, nhất là giá vàng nhẫn. Sau khi vàng SJC có tín hiệu tăng thì chênh lệch giá vàng nhẫn so với thế giới cũng đã chênh lên tới mức 3 triệu đồng một lượng. Đây là mức chênh lệch hiếm gặp từ trước đến nay, do đó giá vàng nhẫn đang là vấn đề lớn tác động đến tỷ giá của thị trường tự do nhưng nó chưa thực sự ảnh hưởng đến tỷ giá đô – đồng của Việt Nam.