Tương quan giữa nới lỏng tiền tệ và VN-Index
Theo chuyên gia của VPBankS, ở tất cả chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, thị trường chứng khoán đều tăng tốt. Và thị trường hiện đang trong chu kỳ như vậy…
Năm 2024, với mục tiêu và chính sách để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Chính phủ đề ra, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS Research (CTCK VPBank), cho rằng các nhà điều hành sẽ tiếp tục duy trì lợi thế chi phí vốn thấp – tức nới lỏng tiền tệ, giữ mặt bằng lãi suất thấp.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) cũng được hưởng lợi từ chính sách này khi nền kinh tế đang trong chu kỳ nới lỏng tiền tệ, hứa hẹn sẽ đi lên trong 1-2 năm tới. Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng TTCK, vốn đã được đề cập từ mấy năm trước, nay tiếp tục được làm nóng trở lại và đang hiện thực hóa với quyết tâm và các bước hành động của Chính phủ, cũng hỗ trợ thị trường tăng trưởng.
“Nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng, lợi suất ngắn hạn đi lên, mặt bằng lạm phát thấp và ổn định. Thị trường chứng khoán vẫn đang ổn định, phục hồi và đi lên. Trong chu trình phục hồi, thị trường có thể xuất hiện bẫy giảm giá, nhịp điều chỉnh sâu, đây chính là thời điểm để nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục, mua và nắm giữ”, ông Sơn nói.
“Theo quan sát, ở tất cả chu kỳ nới lỏng chính sách, TTCK đều tăng tốt. Giai đoạn nới lỏng đến từ tháng 4/2023 đến nay, tham chiếu với lịch sử đều lên tốt.
Tôi nhận thấy sự tương quan giữa nới lỏng chính sách và VN-Index. TTCK Việt Nam luôn có xu hướng nghịch pha với chính sách tiền tệ, khi chính sách tiền tệ thắt chặt thị trường thường có xu hướng suy giảm mạnh ngược lại khi chính sách tiền tệ nới lỏng thì thị trường đều có một nhịp tăng rất tích cực. Trong giai đoạn nới lỏng chính sách do Đại dịch Covid-19, lợi suất trái phiếu Chính phủ 10 năm giảm về mức thấp nhất lịch sử đã giúp thị trường chứng khoán có 2 năm tăng trưởng mạnh mẽ. Đến giai đoạn Fed và các NHTW thắt chặt chính sách, NHNN cũng đã tăng lãi suất điều hành khiến lợi suất trái phiếu chính phủ tăng trở lại và thị trường chũng có một năm giảm 32,78%. Tuy nhiên trong năm 2023, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang nghiêng trở lại về xu hướng nới lỏng “linh hoạt” đã hỗ trợ TTCK phục hồi tích cực trở lại từ đáy tháng 11/2022. Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2023 khi Fed dự kiến sẽ cắt giảm dần lãi suất tạo điều kiện”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Một thống kê đáng lưu ý từ VPBankS, yếu tố thanh khoản đang thể hiện mạnh mẽ rằng niềm tin đầu tư đã quay trở lại với thị trường; cụ thể là thanh khoản thị trường tăng cao.
Dữ liệu theo đó ghi nhận, khởi đầu năm 2023, thanh khoản trung bình 3.000-14.000 tỷ đồng/phiên, cả năm trung bình khoảng 18.000 tỷ đồng nhưng khởi đầu 2024 TTCK đã xuất hiện nhiều phiên thanh khoản lên tới hơn 1-2 tỷ USD. Điều này cho thấy thanh khoản thị trường đã tăng lên rất cao, cao nhất từ tháng 3/2022, dựa trên kỳ vọng phục hồi nền kinh tế và kỳ vọng việc nâng hạng lên mới nổi đã kéo dòng tiền vào, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu.
Bên cạnh đó, tiền gửi tại các công ty chứng khoán cũng tăng lên trong các quý năm 2023. Xu hướng cho thấy niềm tin khả năng phục hồi, đi cùng là doanh nghiệp phục hồi lợi nhuận. Lợi nhuận các doanh nghiệp đã tạo đáy và sẽ tăng trưởng trong năm 2024-2025 trên nền thấp. Các nhóm doanh nghiệp chứng khoán, công nghệ thông tin, ngân hàng sẽ phục hồi sớm. Bất động sản đã chững lại nhưng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đã điều chỉnh về mức thấp hơn mức trung bình 10 năm. Sau khi lên mức P/E 17.x lần tại vùng đỉnh tháng 9/2023, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh trở lại và định giá đã về mức hấp dẫn hơn khi đang giao dịch ở mức 15.4x lần, thấp hơn mức trung bình 10 năm (16.6 lần).
“Với dự báo lợi nhuận 2024 sẽ tiếp tục phục hồi, mức định giá hợp lý vẫn là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia trở lại thị trường. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua sóng điều chỉnh mạnh của năm 2022 và chuyển sang giai đoạn tích lũy, hồi phục trong năm 2023. Xu hướng thị trường trong năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi được hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tiếp tục được duy trì trong nước khi lãi suất điều hành và lãi suất ngắn hạn đang giảm dần, lợi suất trái phiếu giảm, các gói hỗ trợ kích cầu kinh tế được đưa ra”…, ông Trần Hoàng Sơn khẳng định.
Theo đó, kịch bản VPBankS đặt ra cho chỉ số VN-Index có thể đạt mốc cao nhất trong năm 2024 ở mức 1.326 -1.350 điểm (tăng 17% so với năm trước), trong đó vùng dao động chính của chỉ số xoay quanh mốc 1.200 điểm (+/- 50 điểm). Mức thấp trong năm có thể ở mốc hỗ trợ 1.100 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua 27/3, VN-Index tăng tiếp lên 1.283,09 điểm (+0,88 điểm) so với phiên trước; HNX tăng nhẹ 0,82 điểm lên 242,85 điểm và UPCoM giảm nhẹ 0,02 điểm về 91,18 điểm. Thanh khoản trên thị trường tăng so với phiên trước (nhưng vẫn ở mức khá thấp nếu so với tuần trước, trong bối cảnh sự cố của Công ty Chứng khoán VNDirect – top 3 thị phần thị trường vừa có thông báo đã khôi phục được hệ thống và đang tiến hành rà soát, đánh giá hệ thống để đảm bảo tuyệt đối về an toàn an ninh cho khách hàng giao dịch tại công ty, nhưng nhà đầu tư mở tài khoản tại công ty này vẫn chưa thể giao dịch được. VN-Index được dự báo sẽ chạm mốc 1.300 điểm trong những phiên tới.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn