“Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”

Hướng tới kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 – 19/05/2024), ngày 14 tháng 05 năm 2024, tại trụ sở VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Văn hóa Doanh nhân - VCCI tổ chức Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh” nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức, phong cách, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm, tư tưởng trên nhiều lĩnh vực, nhất là về văn hóa và kinh tế, Người từng nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đặc biệt, đối với giới công thương, Người khẳng định, giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn – tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước – thành viên của mặt trận Việt Minh. Người cũng nhấn mạnh, giới công thương phải đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Theo Người, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh. Do đó, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật, đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền…

Gần đây nhất, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”. Nghị quyết cũng đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó dành hẳn một nhóm nhiệm vụ giải pháp về “Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

“Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết: Học tập và làm theo Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ có tinh thần thượng tôn pháp luật, chia sẻ với xã hội, tạo ra giá trị đích thực cho xã hội. Đây là nền tảng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế; đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang là lực lượng nòng cốt lãnh đạo đội quân chủ lực là các doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển của dân tộc, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phồn vinh, hoàn thành nguyện ước của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu.

Để có cơ sở thực hiện xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, nhất là học tập theo tư tưởng Hồ Chí minh, Diễn đàn đã tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề sau:
Một là, những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; và vai trò của văn hóa trong hoạt động kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đối với hình tượng doanh nhân;
 Hai là, những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng giới công thương Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vào những tư tưởng, quan điểm về xây dựng đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh Việt Nam; và vai trò của vấn đề đạo đức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
Ba là, cách thức vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Chủ đề học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh chưa dừng lại ở Diễn đàn ngày hôm nay, VCCI sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ban, ngành, đơn vị khác để tiếp tục chủ đề này. Đặc biệt, VCCI cũng sẽ tập hợp các bài chia sẻ, tham luận của chuyên gia, diễn giả, doanh nhân để xuất bản sách, kỷ yếu, vì thế Ban Tổ chức rất mong nhận được bài chia sẻ của quý vị gửi về BTC…
Diễn đàn đã nhận được chia sẻ của các chuyên gia, diễn giả đến từ Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường Đại học, Viện nghiên cứu… Diễn đàn cũng nhận được chia sẻ, tham luận từ các Tập đoàn, Tổng Công ty, Hiệp hội và các doanh nhân, doanh nghiệp: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty CP Khảo sát Thiết kế Xây dựng Công trình; Công ty Cổ phần Shinec; Công ty Cổ phần HT-SQUARE; Hội Nữ trí thức Hà Nội; Hội Doanh nhân Nam Định tại Hà Nội; Công ty TNHH Nấm Linh Chi…
                                                                                                                                 PV

Bài Viết Liên Quan

Back to top button