Tư duy mới cho chu kỳ đón vốn FDI
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam kết thúc năm 2023 với một kết quả ấn tượng, được đánh giá là điểm khởi đầu thuận lợi cho một chu kỳ mới.
Theo Tổng cục Thống kê, đến ngày 20/12, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt trên 36,6 tỉ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, vốn đăng ký cấp mới và vốn góp mua cổ phần (chiếm 78,47% tổng vốn) tăng rất cao, tương ứng tăng 62,2% và 65,7% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ năm 2020 đến nay.
Chỉ có vốn đăng ký điều chỉnh (chiếm 22,5% tổng vốn) giảm 22,1% nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, mức giảm này đã cải thiện hơn nhiều so với mức giảm 32,1% trong 11 tháng và mức giảm 39,0% trong 10 tháng năm nay.
Các chuyên gia đánh giá: Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, trong đó có các FTA với những đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga…; xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI toàn cầu, nhất là sau cú huých nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vào tháng 9 năm nay đã đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI toàn cầu.
Bên cạnh các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đến từ Mỹ, châu Âu. Các lĩnh vực thu hút đầu tư FDI cũng đang dần dịch chuyển, từ các ngành công nghiệp truyền thống thâm dụng lao động sang ngành các công nghệ cao, công nghệ mới như năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, công nghiệp bán dẫn…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khác với những chu kỳ thu hút FDI trong hơn 35 năm đổi mới trước đây, ở điểm xuất phát cho chu kỳ mới, yêu cầu lan toả FDI trong nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam được đặt ra cao hơn, đòi hỏi chiến lược, tư duy mới để tận dụng tốt lợi thế của dòng vốn FDI.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI; có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển hoá công nghệ và vốn từ các doanh nghiệp FDI vào quy trình sản xuất kinh doanh để tạo ra sản phẩm, tạo ra lợi nhuận…
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận và xây dựng chiến lược dài hơi, bài bản để phát triển công nghiệp phụ trợ hướng đến mục đích quan trọng nhất là đẩy mạnh sự tham gia ngày càng hiệu quả hơn của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp FDI.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, thay vì nghĩ rằng khi doanh nghiệp FDI đầu tư sẽ hỗ trợ, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam thì hãy tư duy theo hướng sản xuất toàn cầu như cách một số quốc gia đã thực hiện. Tức là tập trung sản xuất sản phẩm phụ trợ thế mạnh với quy mô lớn để các doanh nghiệp FDI đều phải cần mua. Do đó, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh năng lực nội tại, làm ngành cung ứng cho tất cả để mở rộng quy mô sản xuất.
Dẫn thành công từ các quốc gia trong khu vực châu Á, điển hình là Hàn Quốc, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của khoa học công nghệ – đòn bẩy đưa nhiều quốc gia trong khu vực nhanh chóng trở thành nước phát triển. Theo đó, cần khuyến khích doanh nghiệp thành lập trung tâm R&D, đồng thời hình thành, nhân rộng vườn ươm công nghệ, trung tâm R&D trong nước ở từng lĩnh vực cụ thể, tạo dựng các thương hiệu riêng của Việt Nam, thuận lợi trong việc hợp tác với doanh nghiệp FDI.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn