Trường đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM (Kỳ I): Khủng hoảng nhân sự lãnh đạo khi Bộ GD&ĐT xem nhẹ việc chống tham nhũng?

(TGA) – Hàng loạt sai phạm có dấu hiệu tham ô, tham nhũng đã diễn ra tại Trường đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM nhiệm kỳ 2013 – 2018 đã được chính Bộ GD&ĐT kết luận. Thế nhưng, hiện hai phó hiệu trưởng đều phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của nhiệm kỳ này, một người đang điều hành trường, một người được Bộ GD&ĐT đề nghị khôi phục quyền phó hiệu trưởng?!.

Giữ tiền công trong tài khoản cá nhân

Cuối năm 2020, Bộ GD&ĐT đã có Thông báo kết quả xác minh nội dung đơn tố cáo nặc danh tại Trường đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM (Trường ĐHSPKT), theo đó việc bà Trương Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSPKT chiếm dụng tiền của nhà trường giữ trong tài khoản cá nhân là đúng sự thật. Việc chiếm đoạt tiền công của bà Hiền được Kiểm toán Nhà nước kết luận trong Báo cáo kiểm toán năm 2016. Tuy nhiên, phải đến năm 2017 Phòng Kế hoạch tài chính (KHTC) của nhà trường mới tiến hành thu hồi số tiền mà bà Hiền đã chiếm dụng.

Trường đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM (Kỳ I): Khủng hoảng nhân sự lãnh đạo khi Bộ GD&ĐT xem nhẹ việc chống tham nhũng?
Kết luận Thanh tra số 611 của BGDĐT ngày 25/6/2021.

Bà Trương Thị Hiền và một Phó hiệu trưởng khác là ông Lê Hiếu Giang còn phải chịu trách nhiệm liên quan đến sai phạm quản lý, sử dụng kinh phí cấp bù, miễn giảm học phí sư phạm do Bộ GD&ĐT cấp năm 2014. Theo kết luận Thanh tra (số 611/KL-BGDĐT ngày 25/6/2021) thì nhà trường phải thu hồi gần 11 tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước. Xác định trách nhiệm liên quan đến sai phạm này, Bộ GD&ĐT xác định ông Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng chịu trách nhiệm với vai trò phó hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo và công tác học sinh sinh viên, khi cùng bà Trương Thị Hiền ký bảng kê chứng từ thanh toán và danh sách chi trả tiền miễn, giảm học phí không đúng quy định.

Phòng KHTC tại thời điểm 2014 chịu trách nhiệm về việc xây dựng hồ sơ rút dự toán; bà Trương Thị Hiền – Phó Hiệu trưởng (Kế toán trưởng tại thời điểm năm 2014) chịu trách nhiệm về việc ký giấy rút dự toán ngân sách, bảng kê chứng từ thanh toán, danh sách chi trả tiền miễn, giảm học phí và việc đề xuất sử dụng kinh phí cấp bù học phí sinh viên sư phạm, cấp bù tiền miễn, giảm học phí không đúng quy định.

Điều cần lưu ý là theo quy định pháp luật, muốn rút dự toán kinh phí cấp bù tiền miễn, giảm học phí, cơ sở giáo dục đại học công lập phải có bản tổng hợp đề nghị với nội dung: Họ tên người học thuộc diện được miễn, giảm học phí hiện đang theo học ở trường; mức thu học phí của nhà trường; mức học phí miễn, giảm và tổng nhu cầu kinh phí đề nghị cấp bù…

Thế nhưng bằng tài “biến hóa” của Kế toán trưởng, Trường ĐHSPKT đã biến báo hồ sơ rút trót lọt số tiền gần 15 tỉ đồng và đến khi phải thu hồi số tiền này thì Thanh tra của Bộ GD&ĐT cũng “không thể xác định được chi tiết 14.804.000.000 đồng chi vào nội dung nào, chỉ xác định được sử dụng để chi thường xuyên và được hoạch toán vào khoản thu học phí của Trường”.(!)

Sai phạm trong đào tạo sau đại học… hàng tỉ đồng thất thoát?

Theo báo cáo của Trường ĐHSPKT, tổng số học viên tham gia học lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn từ năm 2018 – 2020 là 905 người, trong đó số học viên đã trúng tuyển chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ sau khi tham gia lớp học là 851 người; số học viên được chuyển điểm là 337 người với 9.366 tín chỉ; số học viên chưa sử dụng kết quả để chuyển điểm là 514 người với 14.285 tín chỉ. Qua thanh tra, Thanh tra Bộ GDĐT xác định: “Việc  cho học viên hoàn thành chương trình học nêu trên được chuyển điểm khi học chương trình đào tại trình độ thạc sĩ của Trường là không có cơ sở pháp lý”.

Trường đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM (Kỳ I): Khủng hoảng nhân sự lãnh đạo khi Bộ GD&ĐT xem nhẹ việc chống tham nhũng?
Một trong những văn bản của Bộ GD&ĐT chỉ đạo Trường ĐHSPKT khôi phục quyền Phó Hiệu trưởng cho bà Trương Thị Hiền

Cũng theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, tổng số tiền thu được trong việc mở lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn thông qua việc ký kết với các đơn vị liên kết là gần 24 tỉ đồng. Mặc dù Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng “không có cơ sở kết luận” là thất thoát học phí trong đào tại thạc sĩ, thế nhưng chính Trường ĐHSPKT tại văn bản số 589/BC-ĐHSPKT ngày 16/6/2021 gửi Bộ GDĐT đã cho rằng: “Từ việc chuyển điểm sai quy định của Phòng Đào tạo dẫn đến việc Trường bị thất thoát nguồn thu học phí đào tạo thạc sĩ với số tiền tạm tính là 20.685.714.000 đồng”.(?!)

Điều nghịch lý là với những sai phạm có dấu hiệu tham ô, tham nhũng nêu trên, hiện ông Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng đang được giao phụ trách Trường ĐHSPKT sau khi Bộ GD&ĐT không công nhận Hiệu trưởng mới của nhà trường vào tháng 4/2021. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT liên tục có các văn bản chỉ đạo Trường ĐHSPKT khôi phục quyền Phó Hiệu trưởng cho bà Trương Thị Hiền.(?!)

Hiện dư luận nhà trường vô cùng bức xúc đối với những người đang bị kỷ luật về mặt chính quyền, đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật đảng, có sai phạm trong việc thực hiện chức trách nhưng vẫn được giới thiệu và đề cử để điều hành nhà trường. Một giảng viên bức xúc đặt hàng loạt câu hỏi: “Nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng 2013 – 2018 đã kết thúc hay chưa? Tại sao lại đến bây giờ còn đòi phục hồi chức vụ phó hiệu trưởng nhiệm kỳ 2013 – 2018 đối với bà Hiền? Nếu chưa kết thúc thì kéo dài đến khi nào?”.

Nhóm PV

Bài Viết Liên Quan

Back to top button