Trưng bày “Gặp tôi trong tương lai” góp phần phá bỏ định kiến về giới trong lựa chọn nghề nghiệp của trẻ em
Trưng bày “Gặp tôi trong tương lai” khai mạc vào ngày 29/6/2025 và kéo dài đến ngày 6/7/2025 tại Nhà xuất bản Kim Đồng, 55 Quang Trung, Hà Nội. Trưng bày 268 ý tưởng sáng tác được gửi đến chương trình thông qua những tác phẩm sắp đặt sáng tạo và truyền cảm hứng.
“Gặp tôi trong tương lai” là một sáng kiến được khởi xướng bởi The Initiative of Children’s Book Creative Content (ICBC), với sự đồng hành của ECUE-VGEM và Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng. Chương trình nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ) – một sáng kiến của Chính phủ Australia.
Chương trình hướng đến tạo ra nhiều nội dung phản ánh sự đa dạng nghề nghiệp, góp phần phá bỏ những định kiến giới đang cản trở trẻ em trong quá trình khám phá bản thân và theo đuổi ước mơ nghề nghiệp – một chủ đề còn nhiều khoảng trống trong hệ sinh thái xuất bản và giáo dục hiện nay.

Bà Cathy McWilliam – Bí thư thứ nhất về Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam – chia sẻ: “Những câu chuyện chúng ta kể cho các em thiếu nhi hôm nay sẽ định hình lực lượng lao động trong tương lai. Australia tự hào hỗ trợ các đối tác địa phương tại Việt Nam để mang bình đẳng giới vào các tác phẩm sách thiếu nhi. Những gì trẻ thấy có thể ảnh hưởng lớn tới những hình mẫu trẻ muốn trở thành. Vì vậy, khi các em thấy cả phụ nữ và nam giới làm nhiều nghề khác nhau từ nhỏ, các em sẽ dễ dàng nắm bắt nhiều cơ hội đa dạng hơn khi lớn lên, và điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai”.

Ông Lê Quang Bình – Giám đốc ECUE – cho rằng: “Tạo cơ hội để trẻ em hình dung về nghề nghiệp tương lai mà không bị ràng buộc bởi các khuôn mẫu giới là mục đích của chương trình Kêu gọi sáng tác ‘Gặp tôi trong tương lai’. Chương trình không chỉ đơn thuần là kêu gọi những ý tưởng sáng tác của cộng đồng, mà còn là tạo ra động lực khuyến khích trẻ em hình dung về tương lai dựa trên sở thích, tài năng và đam mê của chính mình, vượt thoát khỏi khuôn mẫu giới để tự do lựa chọn nghề nghiệp”.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên – Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng – chia sẻ: “Chương trình kêu gọi sáng tác với chủ đề ‘Gặp tôi trong tương lai’ là một ý tưởng sáng tạo, góp phần tích cực vào việc đổi mới nội dung sách cho thiếu nhi tại Việt Nam. Số lượng ý tưởng gửi đến vượt sự kì vọng của Ban Tổ chức, cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với chủ đề về nghề nghiệp và bình đẳng giới, vốn chưa có nhiều trong các tác phẩm cho thiếu nhi từ các tác giả Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao những ý tưởng lồng ghép một cách tự nhiên giữa nghề nghiệp và bình đẳng giới, không hô hào, không khẩu hiệu mà vẫn ‘thách thức’ những định kiến về giới bằng cách thể hiện sáng tạo và truyền cảm hứng”.
Chương trình đã nhận được 268 ý tưởng từ cá nhân và nhóm sáng tác ở nhiều độ tuổi và vùng miền, thể hiện được tinh thần tạo cơ hội để tất cả mọi người được đóng góp, chia sẻ câu chuyện của mình và trở thành người kể chuyện. Trong số đó, 34% ý tưởng đến từ trẻ em dưới 18 tuổi – minh chứng rõ nét cho sự tham gia chủ động và tinh thần sáng tạo của các “cây bút nhí”. 66% còn lại đến từ người trưởng thành – tác giả, họa sĩ minh họa, phụ huynh, nhà giáo dục, người quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới và giáo dục trẻ em.
Các ý tưởng sáng tác gửi về chương trình không chỉ thể hiện sự đa dạng của các công việc, ngành nghề trong xã hội một cách gần gũi, thân thiện, dễ hiểu với trẻ em, mà còn mang đến những góc nhìn mới mẻ về những nghề nghiệp đã quen thuộc hay giới thiệu những nghề nghiệp mới, qua đó góp phần lan tỏa thông điệp về quyền bình đẳng của trẻ em trong các cơ hội tiếp cận và định hướng nghề nghiệp ngay từ khi các em còn rất nhỏ.

Hội đồng thẩm định của chương trình gồm PGS. TS Phạm Quỳnh Phương – chuyên gia ngành Nhân học Văn hoá, Ban biên tập NXB Kim Đồng, đại diện ICBC và ECUE-VGEM đã đánh giá và lựa chọn 05 ý tưởng xuất sắc nhất để tiếp tục phát triển ý tưởng thành bản thảo hoàn thiện và xuất bản bộ sách “Gặp tôi trong tương lai”. Bộ sách dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào năm 2026.
PV