Trở lực với VGC
Dù mảng khu công nghiệp (KCN) có thể vẫn gặp khó khăn, nhưng Tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) lại phát triển ổn định ở các mảng khác. Tuy vậy, VGC vẫn đối mặt không ít rủi ro.
Rủi ro đối với VGC đến từ nhu cầu xây dựng chậm sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) của VGC; Cạnh tranh gay gắt trong ngành VLXD; và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho các KCN mới cao hơn.
Vượt qua khó khăn
Tại cuộc họp đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11 và triển khai kế hoạch tháng 12 năm 2023, chuẩn bị kế hoạch 2024, VGC cho biết lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của doanh nghiệp ước đạt 1.663 tỷ đồng, đạt 137% so với kế hoạch năm.
Đối với mảng vật liệu xây dựng, lũy kế 11 tháng, doanh số xuất khẩu toàn Tổng công ty đạt 42,2 triệu USD, tăng 54% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các sản phẩm ghi nhận tăng gồm gạch ốp lát (tăng 126%), kính PFG (tăng 79%), kính ViFG (tăng 16%), sứ (tăng 68%).
Đối với mảng bất động sản, VGC cho hay đang có kế hoạch đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2022 – 2030 thông qua các dự án cụ thể như: dự án nhà ở công nhân tại KCN Đồng Văn IV, dự án nhà ở xã hội tại Kim Chung…
1.663 tỷ đồng là lợi nhuận trước thuế hợp nhất 11 tháng đầu năm 2023 của VGC, đạt 137% kế hoạch năm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc VGC thừa nhận năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn đối với ngành VLXD nhưng VGC vẫn đạt mức lợi nhuận khá cao trong lịch sử hoạt động của Công ty.
Kỳ vọng năm 2024
Trong năm 2024, SSI dự báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ lần lượt đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2% và 2,02 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2023. Cụ thể, SSI ước tính như sau:
Thứ nhất, doanh thu kính xây dựng dự báo đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19% và chiếm 18% tổng doanh thu. Theo Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, mức tiêu thụ kính dự kiến sẽ tăng khoảng 14% -15% trong năm 2024, do số lượng căn hộ mở bán mới sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 và tăng trưởng từ các dự án đầu tư công như bệnh viện, sân bay… Giá kính xây dựng dự kiến sẽ phục hồi 4%, với biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 16,1%.
Thứ hai, doanh thu thiết bị vệ sinh đạt 982 tỷ đồng, tăng 2% và chiếm 10% tổng doanh thu, với giả định giá bán đi ngang. Biên lợi nhuận gộp dự kiến duy trì ở mức 30%, không thay đổi so với cùng kỳ.
Thứ ba, doanh thu gạch granite & ceramic dự kiến đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3% và chiếm 25,6% doanh thu do nhu cầu xuất khẩu tăng lên. Mảng gạch granite & ceramic đang có mức giá bán cạnh tranh hơn và có nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho người tiêu dùng. Trong khi đó, doanh thu nội địa dự kiến phục hồi 2% do gạch ốp lát do VGC sản xuất là sản phẩm trung cấp có giá cả cạnh tranh. Biên lợi nhuận dự kiến đạt 20% chủ yếu do giá cao hơn.
Thứ tư, doanh thu cho thuê KCN dự báo đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, giảm 11,9% và chiếm 23% doanh thu dự kiến. Tổng diện tích cho thuê dự kiến đạt 175 ha, tăng 2%, trong đó 19 ha tại KCN Yên Phong IIC (tỉnh Bắc Ninh) do các công ty vệ tinh của Samsung thuê. Ngoài ra, 30 ha dự kiến sẽ được cho thuê tại KCN Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và 60 ha dự kiến sẽ được BYD thuê (nhà máy sản xuất xe điện) tại Phú Hà (tỉnh Phú Thọ). Giá thuê trung bình năm 2024 dự kiến giảm 9% do giá thuê tại các KCN của VGC tại tỉnh Phú Thọ và Quảng Ninh thấp hơn các KCN tại tỉnh Bắc Ninh. Biên lợi nhuận gộp của hoạt động cho thuê KCN là 49%.