“Trợ lực” cho doanh nghiệp nữ làm chủ

Các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Không chỉ ảm đạm trong kết quả kinh doanh, mà còn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ sau đại dịch COVID-19, dù có đủ kiên cường nhưng các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn cần “trợ lực” để… “vượt sóng”.

“Trợ lực” cho doanh nghiệp nữ làm chủ

Những trở ngại đối với nũ lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam so với mặt bằng chung thế giới. Nguồn: Bộ LĐTBXH

Báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ rõ những thách thức và đưa ra những kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Thách thức chồng… thách thức

Báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch COVID-19” cho thấy, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng.

Theo đó, đại dịch COVID-19 đã khiến cho 87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng tiêu cực và hết sức tiêu cực, đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có doanh thu sụt giảm và kinh doanh thua lỗ tăng mạnh so với các năm trước.

Cụ thể, năm 2019, có 61,1% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 27,1% doanh nghiệp bị thua lỗ; nhưng sang đến năm 2020, tỷ lệ này giảm hẳn, chỉ còn 53,2% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi và 32,1% doanh nghiệp bị thua lỗ. Bước sang năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kinh doanh có lãi chỉ còn 42,7% và tỷ lệ donh nghiệp thua lỗ tăng lên mức 39,2%.

Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó cũng như tăng cường tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp này, nhiều chính sách còn khó tiếp cận.

Ngoài ra, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực và khó khăn ở các khía cạnh như: Tìm kiếm nguồn vốn, tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng, vấn đề nhân công/người lao động của doanh nghiệp…

Cần các giải pháp… “trợ lực”

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, các địa phương cần đưa ra ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Các ngân hàng hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng một cách bình đẳng đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại; đơn giản hóa điều kiện và thủ tục cho vay, xử lý hồ sơ nhanh chóng.

Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ kiến nghị, Chính phủ xem xét các chính sách hỗ trợ tài khóa cụ thể đã được triển khai cần được xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng, mức độ hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. Cần tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành. Các quy trình, giai đoạn thẩm định cần được đơn giản hóa tối đa, tập trung vào giai đoạn hậu kiểm và các chế tài xử phạt đối với các hành vi trục lợi chính sách.

Báo cáo “Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của đại dịch Covid-19” là sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét đưa vấn đề tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vào trong Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Còn theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VCCI), để tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua thách thức, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được, vì thế, để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp do nữ làm chủ cần chủ động hơn nữa để tiếp cận các gói hỗ trợ, cùng với đó, các Hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc, cần chủ động hơn nữa trong tiếp cận thông tin, thiết kế các chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội viên thông qua những hoạt động cụ thể, trong đó có doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bên cạnh những giải pháp đã nêu, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Tổng giám đốc Công ty Nhật Hải cho rằng, để vượt qua được giai đoạn “sóng gió” này, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của cơ quan chức năng, bản thân doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại chi phí, sản phẩm để tập trung vào những sản phẩm mũi nhọn, nhằm gia tăng lợi nhuận, vượt qua khó khăn.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button