Triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS+ tại Kazan sẽ mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga từ ngày 23-24/10/2024.

Triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Với chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Hội nghị các nhà lãnh đạo các quốc gia theo định dạng BRICS+ sẽ tập trung trao đổi về hợp tác giữa các nước BRICS và Nam bán cầu trong giải quyết các vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, trong đó có tình hình khu vực và quốc tế, phát triển bền vững, an ninh lương thực và năng lượng.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp với sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức, đòi hỏi các nước tăng cường phối hợp để ứng phó hiệu quả.

Theo ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam.

“Đó là, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, ông Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.

Ông Đặng Minh Khôi đánh giá, sự tham gia của Việt Nam tại Hội nghị lần này cũng chuyển tải thông điệp của Việt Nam về việc ủng hộ vai trò của các diễn đàn và cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có BRICS, hoạt động trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đề cao tiếng nói, tính đại diện của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu cũng như trong giải quyết các thách thức chung, góp phần xây dựng một trật tự thế giới đa cực và công bằng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn thế giới.

Nhân dịp này Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có kế hoạch hội kiến, gặp gỡ, tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao các nước, Lãnh đạo các tổ chức quốc tế khác để trao đổi sâu rộng, toàn diện các biện pháp tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm.

Rà soát việc thực hiện các thỏa thuận, đưa hợp tác giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất, đóng góp chung vào phát triển, ổn định của khu vực và trên thế giới.

“Tôi tin tưởng chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đóng góp hiệu quả vào các hoạt động tại Hội nghị, khẳng định với bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam chủ động, tích cực, trách nhiệm, chân thành và hữu nghị, góp phần thực hiện mục tiêu chung hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và thế giới”, ông Đặng Minh Khôi bày tỏ.

Vẫn theo ông Đặng Minh Khôi, nước “chủ nhà” hết sức coi trọng sự tham dự của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS+ lần này. “Việc Thủ tướng ta lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS+ tại Kazan từ ngày 23-24/10 mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS”, ông Đặng Minh Khôi nhấn mạnh.

Thứ nhất, đó là cơ hội để thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các quốc gia thành viên và đối tác của BRICS.

Thứ hai, cho phép tiếp cận với các cơ chế, nguồn lực dồi dào, thị trường rộng lớn của BRICS phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như cơ hội phối hợp nỗ lực trong giải quyết các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự toàn cầu.

Triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS+ tại Kazan với chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.

Những năm gần đây, theo lời mời của các nước Chủ tịch BRICS, Việt Nam đã cử đại diện tham dự một số hoạt động trong khuôn khổ BRICS mở rộng.

Đơn cử, năm 2023 Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi tham dự Hội nghị BRICS châu Phi và Đối thoại BRICS mở rộng (tháng 8-2023), Hội nghị Đối thoại các đảng chính trị khối BRICS mở rộng lần thứ IV (tháng 7/2023).

Năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang tham dự Đối thoại Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh các nước BRICS và các nước Nam Bán cầu (11/9/2024).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự Đối thoại cấp Bộ trưởng BRICS và các nước đang phát triển trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS (Nizhny Novgorod, 10 đến 11/6).

Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm tham dự Diễn đàn liên Đảng quốc tế BRICS+ và Hội nghị bàn tròn các chính đảng Nga và các nước ASEAN (Vladivostok, 16 đến 19/6).

BRICS là một tổ chức liên chính phủ được thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Gần đây, BRICS đã mở rộng và hiện bao gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hiện nay, nhiều quốc gia khác cũng đang ngỏ ý tham gia BRICS.

BRICS được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, phát triển lên cấp Hội nghị thượng đỉnh từ năm 2009, kết nạp thêm Nam Phi từ năm 2010.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 tổ chức tại Nam Phi năm 2023, BRICS công bố kết nạp 6 thành viên gồm Argentina, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Đến nay, Argentina tuyên bố sẽ không gia nhập BRICS và Ả-rập Xê-út vẫn đang cân nhắc về việc tham gia Nhóm.

Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm hợp tác chính trị – an ninh, kinh tế – tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác nổi bật gồm Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, Ngân hàng phát triển mới (NDB), các hội đồng/liên minh/cơ chế hợp tác chuyên ngành và các cơ chế đối thoại với các nước không phải thành viên.

BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là trở thành một thể chế chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu nhằm phản ánh tương quan lực lượng theo hướng công bằng, cân bằng và có tính đại diện cao hơn. Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button