Triển vọng dòng vốn FDI từ Mỹ
Phái đoàn với hơn 50 doanh nghiệp từ Mỹ, trong đó có nhiều tên tuổi lớn muốn mở rộng ở Việt Nam là tín hiệu tích cực, mang lại nhiều kỳ vọng về sự chuyển mình mạnh mẽ trong đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Mới đây, phái đoàn với hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Boeing, Tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin, Tập đoàn công nghệ SpaceX, Netflix, Apple…có mong muốn, ý định hoặc đã đầu tư, muốn mở rộng ở Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia và kỳ vọng về sự chuyển mình mạnh mẽ trong đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023.
Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ Mỹ xây dựng các chuỗi cung ứng tự chủ, độc lập và an toàn, sau những biến động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của COVID-19. Hơn nữa, phái đoàn doanh nghiệp lớn của Mỹ còn mang theo thông điệp tin cậy vào nền kinh tế Việt Nam là đối tác thân thiện, đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó chứng minh Việt Nam có một nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, lực lượng lao động trẻ, cơ sở hạ tầng liên tục được hiện đại hóa, môi trường đầu tư đang được từng bước cải thiện và một vị trí địa lý thuận lợi cho kết nối với thị trường khu vực.
Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN Ted Osius, dù chịu tác động mạnh từ những biến động toàn cầu, nhưng Việt Nam đã đạt được tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Ông cho biết, các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn.
Nhìn lại, năm 2021 cũng là năm đầu tiên thương mại 2 nước đạt mốc 100 tỷ USD. Trong năm 2022, thương mại song phương tiếp tục lập kỷ lục mới với 123,7 tỷ USD. Cũng trong khoảng đó thời gian, tổng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam lũy kế cuối năm 2022 là 11,42 tỷ USD với 1.216 dự án. Quy mô bình quân 1 dự án đạt 8,9 triệu USD/dự án, thấp hơn so với quy mô dự án bình quân chung FDI trên cả nước là 11,8 triệu USD/dự án.
Tuy vậy, so với tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam 438,7 tỷ USD tính đến cuối năm 2022, tổng số vốn đầu tư FDI từ Mỹ chỉ chiếm 2,6%. Mỹ hiện không lọt trong top 10 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Trong khi Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam vẫn còn khiêm tốn dưới mức tiềm năng của cả 2 nước. Điều này cho thấy đối tác có xu hướng thiên nhiều hơn về thương mại, nhẹ hơn về đầu tư.
Việt Nam đang nổi lên là một cái tên quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng tại khu vực và thế giới. Ảnh: PLO
Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới câu chuyện của 30 năm trước rằng ông đã nghe nói về việc Mỹ sẽ là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam. Thế nhưng, cho đến bây giờ, Mỹ vẫn đang xếp thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 13 tỷ USD.
Bởi thế, dù đánh giá cao đến mấy và quyết tâm đến mấy, thì Mỹ cũng chưa thể sớm “san bằng” khoảng cách với các đối tác đầu tư lớn khác của Việt Nam là Hàn Quốc (trên 81 tỷ USD), Singapore (72 tỷ USD), hay Nhật Bản (69 tỷ USD)… để vươn lên top đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.
Có điều, trước làn sóng “đại bàng” từ bên kia Thái Bình Dương thì cũng có nghĩa cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ càng lớn. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Càng nhiều doanh nghiệp trong một thị trường, sự cạnh tranh càng lớn. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước cần tự nâng giá trị để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, không riêng gì doanh nghiệp Mỹ. Đồng thời, doanh nghiệp nội địa cần lưu ý về một cơ hội tham gia hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ vào chuỗi cung ứng”.
Thực tế cho thấy, một động lực lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam là sự gia tăng vốn FDI. Đáng chú ý, những năm qua, Việt Nam luôn kỳ vọng về làn sóng đầu tư mới chất lượng từ châu Âu và Mỹ.
Hơn nữa, sau một thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, đồng thời là một trong những thị trường mới nổi năng động nhất thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7% kể từ năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương tự trong 5 năm tới.
Và FDI được dự báo có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng kinh tế, với dòng vốn nước ngoài ngày càng tăng giúp tài trợ cho các dự án mới và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hiện có.
Do đó, từ sự kiện hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đến tìm cơ hội đầu tư, chúng ta cùng kỳ vọng đây sẽ là mối quan hệ hợp tác win-win có lợi cho cả nền kinh tế.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp