Triển lãm lịch sử tỉnh Cao Bằng qua tài liệu lưu trữ
Nhân dịp kỷ niệm 525 năm lập tỉnh Cao Bằng (1499 – 2024), 74 năm ngày giải phóng Cao Bằng (03/10/1950 – 03/10/2024), ngày 1/10, Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Lịch sử tỉnh Cao Bằng qua tài liệu lưu trữ”.
Đây là một hoạt động thiết thực, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đưa công chúng trở về với cội nguồn lịch sử, giúp công chúng có cái nhìn tổng thể, rõ nét hơn về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng, hiểu thêm về dấu mốc thành lập tỉnh, những thay đổi lớn về địa giới hành chính.
Thông qua triển lãm sẽ giúp công chúng hiểu thêm về vùng đất kiên cường trong chiến đấu, hăng hái trong lao động, tích cực trong phát triển kinh tế, cởi mở trong hội nhập quốc tế, kiên quyết trong bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc; qua đó góp phần giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và truyền thống tốt đẹp của mảnh đất, con người Cao Bằng.
Triển lãm giới thiệu khoảng hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật, câu trích… được lựa chọn từ các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử tỉnh Cao Bằng và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều hình ảnh, tài liệu lần đầu tiên được đưa ra giới thiệu, phác họa những nét cơ bản về bức tranh lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Cao Bằng.
Triển lãm được bố cục gồm 03 phần với các nội dung chính như sau:
Phần 1, Cao Bằng đấu ấn thành lập: Là vùng đất được biết đến từ rất sớm, từ thời đồ đá, Cao Bằng đã có người Việt cổ sinh sống. Vào thời Hùng Vương dựng nước, chia nước làm 15 bộ. Đến năm 1499, nhận thấy vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất Cao Bằng, nhà Lê quyết định tách phủ Cao Bằng ra khỏi Thừa tuyên Thái Nguyên để thành lập trấn Cao Bằng. Từ đó, Cao Bằng trở thành một đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc chính quyền Trung ương, là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Cao Bằng.
Phần 2, Những thay đổi lớn về địa giới hành chính: Trải qua 525 năm xây dựng và phát triển, qua nhiều dấu ấn lịch sử, sau nhiều lần chia tách, sát nhập, thay đổi địa giới hành chính, Cao Bằng vẫn luôn giữ vai trò là một đơn vị hành chính có vị trí chiến lược trọng yếu về chính trị, quốc phòng – an ninh nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc.
Từ năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Cao Bằng cùng nhân dân cả nước bước sang trang sử mới, xây dựng củng cố, bảo vệ chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Địa giới hành chính tính Cao Bằng qua nhiều lần tách, sáp nhật. Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, hiện nay tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 09 huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình và Thành phố Cao Bằng. Toàn tỉnh có 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 40 xã, thị trấn biên giới.”
Phần 3, Cao Bằng – Những chặng đường lịch sử: Với chặng đường 525 năm hình thành và phát triển, từ khi thành lập dưới sự trị vì của các triều đại phong kiến, trải qua thời Pháp thuộc và dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, trên con đường đấu tranh giành độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng – an ninh của Cao Bằng đã khắc hoạ những trang sử vẻ vang, hào hùng với những kết quả toàn diện trên mọi mặt luôn là niềm vinh dự và tự hào của người dân quê hương nơi địa đầu tổ quốc.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 01/10/2024 tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, là một hoạt động ý nghĩa thiết thực, ôn lại những chặng đường lịch sử của tỉnh nhà, tiếp tục tôn vinh truyền thống vẻ vang của nhân dân Cao Bằng, góp phần tạo động lực thúc đẩy xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Lê Minh