Triển khai nhiều phương thức cho vay hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn
Có thể nói, trong 7 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu tác động xấu từ bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Theo đó, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng gặp nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh để có thể trụ vững nhưng tổng thể kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang khá ảm đạm.
Vậy làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ đầu năm 2023? Ông Đào Minh Tú-Phó Thống đốc NHNN – cho biết, với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Về điều hành lãi suất, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Về điều hành tín dụng, NHNN điều hành tăng trưởng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 của NHNN sẽ là “liều thuốc bổ” cho nền kinh tế, vừa tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với mức lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu.
Bà Hà Thị Thu Giang- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, ngành Ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; chỉ đạo các NHTM triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính ngân hàng thương mại; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới; Ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng và Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó bổ sung quy định về hoạt động bảo lãnh điện tử và cho vay bằng phương tiện điện tử.
Bên cạnh tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục được tạo điều kiện, đẩy mạnh triển khai. Theo đó, đến 30/6/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022 với hơn 6.677 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó, dư nợ các chính sách tín dụng thực hiện trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đạt 19.090 tỷ đồng.
Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của TCTD, song tín dụng nền kinh tế 06 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.
Để triển khai Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/05/2022 được ban hành, BIDV đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thực hiện đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ trong toàn hệ thống về quy định hỗ trợ lãi suất, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai bảo đảm thực hiện theo quy định của Chính phủ, NHNN.
Về phía các ngân hàng thương mại cũng tham gia triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tính đến hiện tại, BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay lũy kế đến 30/06/2023 là 16.000 tỷ đồng và dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5 nghìn tỷ đồng.
Ở phân khúc khách hàng SME , đầu năm 2023, đại diện VietinBank vừa cho ra mắt gói giải pháp tài chính chuyên biệt Gói SME Simple với nhiều ưu đãi về tỷ lệ tài trợ, thời gian duy trì hạn mức tín dụng, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm, danh mục hồ sơ… Gói giải pháp nhận được nhiều sự đón nhận từ các khách hàng với những ưu việt về các điều kiện tín dụng cũng như quy trình thủ tục rút gọn, góp phần bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đại diện ngân hàng VietinBank cũng cho biết đã và đang thực hiện là thiết kế các giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng theo chuỗi giá trị của các KHDN Lớn, KHDN FDI (sau đây xin gọi tắt là các doanh nghiệp chính) nhằm khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp và hệ sinh thái liên quan. Thông qua giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng, VietinBank đã tạo cơ hội tiếp cận vốn nhanh chóng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhà cung cấp/nhà phân phối của các doanh nghiệp.
VietinBank đã triển khai các giải pháp tài trợ nhà phân phối trên cơ sở hợp tác với các doanh nghiệp chính ở các nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh, kinh doanh phân phối ô tô, thức ăn chăn nuôi… Đồng thời, với giải pháp tài trợ nhà cung cấp, VietinBank tập trung cung cấp sản phẩm tài trợ vốn lưu động, và bao thanh toán thông qua việc ứng trước các khoản phải thu hình thành trong giao dịch giữa các nhà cung cấp và người mua hàng là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính mạnh…