Trẻ em tiếp xúc nội dung độc hại trên vũ trụ ảo, đổ lỗi cho ai?
Thay vì đổ lỗi cho các công ty công nghệ khi để trẻ em đối mặt với những nội dung độc hại trên vũ trụ ảo, chúng ta nên xem xét vai trò của cả các bên liên quan khác.
Gần đây, phóng viên điều tra của BBC đã đóng vai một cô bé 13 tuổi để tham gia vào VRChat. Đây là một nền tảng ảo trực tuyến nơi người dùng có thể tương tác với nhau qua hình đại diện 3D thông qua các thiết bị hỗ trợ thực tế ảo (VR).
Các căn phòng trên VRChat chứa nhiều nội dung độc hại liên quan đến khiêu dâm, phân biệt chủng tộc và đe dọa cưỡng hiếp. Phóng viên của BBC đã chứng kiến nhiều hình đại diện khỏa thân và bị nhiều người đàn ông trưởng thành tiếp cận, dụ dỗ tham gia vào các hành vi tình dục thực tế ảo.
Cuộc điều tra này đã khiến các tổ chức từ thiện về an toàn trẻ em bao gồm Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Hành vi Đối xử Tàn bạo với Trẻ em (NSPCC) lên tiếng cảnh báo về những nguy hiểm mà trẻ vị thành niên phải đối mặt khi tham gia vũ trụ ảo (metaverse).
NSPCC dường như đổ lỗi hoàn toàn cho các công ty công nghệ, cho rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ sự an toàn của trẻ em trong các không gian trực tuyến. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì các nền tảng truyền thông xã hội không thể giải quyết vấn đề này một mình.
Nhiều người cảm thấy sốc khi đọc được câu chuyện trên BBC, tuy nhiên mười năm về trước, khi thuật ngữ “metaverse”còn chưa phổ biến, những trường hợp tương tự đã xuất hiện trên các nền tảng như Club Penguin và Habbo Hotel. Yêu cầu các công ty công nghệ phải có thêm các giải pháp để ngăn chặn những sự cố như này đã có từ lâu, tuy nhiên không có nhiều thay đổi.
Các công ty thường yêu cầu xác minh độ tuổi để ngăn những người trẻ truy cập vào các dịch vụ không phù hợp. Tuy nhiên nếu điều này dễ dàng thì hẳn đã được áp dụng rộng rãi. Trên thực tế việc xác thực độ tuổi của người dùng trên mạng bỏ qua những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và triển khai dễ dàng trên các nền tảng là điều rất khó thực hiện.
Thêm vào đó việc kiểm duyệt nội dung cuộc trò chuyện trên các ứng dụng không thể chỉ dựa vào các thuật toán. Trí tuệ nhân tạo (AI) không đủ thông minh để theo dõi và ngăn chặn các cuộc đối thoại vi phạm các chính sách về giao tiếp. Mặc dù, sự kiểm soát có thể được can thiệp bởi con người, thường sẽ không đủ thời gian và nhân lực để có thể giám sát tất cả.
Ngoài ra, các nền tảng đã cung cấp nhiều công cụ để giải quyết vấn đề quấy rối và lạm dụng, tuy nhiên vẫn chưa phổ biến hoặc nhiều người không tin rằng chúng sẽ hiệu quả hay đơn giản là không muốn sử dụng.
Phụ huynh không thể chỉ ngồi yên và phàn nàn rằng: “Con tôi đang bị ảnh hưởng bởi các nội dung xấu trực tuyến, ai sẽ ngăn chặn điều này?”. Thay vì chỉ đổ lỗi cho các công ty công nghệ, chúng ta nên xem xét vai trò của các bên liên quan khác.
Nếu phụ huynh có ý định mua cho con mình thiết bị VR, họ cũng cần có trách nhiệm đảm bảo an toàn khi con sử dụng. Cha mẹ có thể theo dõi hoạt động bằng cách yêu cầu con chiếu nội dung trên từ headset VR lên TV hoặc laptop. Hoặc, kiểm tra các ứng dụng và trò chơi mà trẻ đang tương tác trước khi cho phép chúng sử dụng.
Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc hỗ trợ những người trẻ tuổi khi họ tham gia các không gian trực tuyến. Trẻ vị thành niên cần nhận được sự giáo dục và hỗ trợ từ người lớn trong việc giải quyết những tác hại trực tuyến mà họ có thể phải đối mặt. Đây không phải là điều các nền tảng công nghệ có thể đơn phương thực hiện.
Hương Dung(Theo The Conversation)