Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn: Có kỳ vọng “phá băng” thanh khoản?
Bộ Tài chính đã bấm nút khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào sáng hôm nay 19/7/2023. Đây là cột mốc quan trọng tạo kênh giao dịch chính thức cho trái phiếu doanh nghiệp.
Ngày 19/7, Bộ Tài chính đã tổ chức khai trương hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Sự kiện được Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định là điều kiện nền tảng tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc khai trương hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới chỉ là bước đầu và còn nhiều việc phía trước phải làm, theo hướng xây dựng và phát triển thị trường phù hợp với mức độ nền kinh tế, mở rộng tiếp cận quốc tế; tiếp tục nâng cao minh bạch, công khai thông tin doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi các chủ thể tham gia thị trường…
Các giải pháp cần được tập trung là hoàn thiện thể chế chính sách, hoạt động thị trường an toàn thông suốt, đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Để chuẩn bị cho Lễ khai trương và đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ hôm nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết đã hoàn thành xây dựng hệ thống giai đoạn 1 và tổ chức nhiều đợt kiểm thử để đảm bảo các chức năng hệ thống được vận hành chính xác.
Từ tháng 6, hệ thống đã hoàn thành việc thử nghiệm với thành viên, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Kết quả kiểm thử cho thấy hệ thống đã vận hành ổn định, đáp ứng được yêu cầu của thành viên trong việc nhập lệnh và tra cứu thông tin, đáp ứng yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán trong việc quản lý, vận hành hệ thống.
Dữ liệu giao dịch đã được chuyển đầy đủ, chính xác và thông suốt sang Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam để thực hiện thanh toán.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng đã hoàn thành việc tổ chức hai đợt đào tạo cho các thành viên, chuẩn bị cho việc tham gia và sử dụng hệ thống an toàn.
Hiện hệ thống có năng lực xử lý khoảng 15.000-20.000 lệnh mỗi giây, tương ứng 20 triệu-30 triệu lệnh/ phiên.
Ngay sau lễ khai trương hệ thống, theo HNX, có 1.600 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào giao dịch. Sự vận hành của hệ thống từ hôm nay giúp cơ quan quản lý thị trường, người dân giám sát tính công khai minh bạch của thị trường.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất sôi động. Tính đến cuối năm 2022, dư nợ thị trường đạt khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, bằng 12,6% GDP, bằng 10% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Con số này cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và tương quan thì quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam còn khiêm tốn. Trong khi đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Malaysia đạt 56%, Singapore là 38%, Thái Lan là 25% GDP…
Trước một số bất cập trong thời gian qua, cá biệt là có việc lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, có một số doanh nghiệp đã vi phạm về công bố thông tin, thì việc ra đời hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là cần thiết, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm phụ thuộc nhiều vào tín dụng, Bộ trưởng khẳng định.
Nhiều thành viên trên thị trường, các chuyên gia, nhà đầu tư cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với sàn giao dịch mới.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings đánh giá, việc ra đời hệ thống kê khai và giao dịch tập trung tại HNX đối với trái phiếu riêng lẻ là một bước tiến lớn cho thị trường này. Việc đăng ký giao dịch tập trung sẽ góp phần giải quyết 05 vấn đề lớn của thị trường hiện nay, gồm: Thứ nhất, hoạt động kê khai tập trung và với các yêu cầu về kê khai thông tin về tổ chức phát hành và về lô trái phiếu đó sẽ góp phần cải thiện minh bạch thông tin cho thị trường và làm cơ sở cho nhà đầu tư trong việc ra quyết định và chịu trách nhiệm về khoản đầu tư của mình; Thứ hai, việc để trái phiếu riêng lẻ lên sàn sẽ góp phần thực hiện giải quyết vấn đề thanh khoản khi cần thiết; Thứ ba, việc kê khai và giao dịch tập trung này sẽ góp phần tạo đường cong lãi suất cho từng trái phiếu tùy theo mức xếp hạng tín nhiệm hay đánh giá chất lượng trái phiếu của thị trường và tùy theo kỳ hạn của trái phiếu; Thứ tư, việc giao dịch và hình thành đường cong lãi suất trái phiếu sẽ giải quyết vấn đề định giá trái phiếu; Cuối cùng, và rất quan trọng là qua việc kê khai và giao dịch tập trung này sẽ góp phần xác định và quản lý tốt hơn thông tin trái chủ.
Ông Thuân cũng cho biết FiinGroup sẽ ra mắt hệ thống thông tin phân tích trái phiếu nhằm phục vụ nhà đầu tư. Kết quả xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings về tổ chức phát hành và trái phiếu sẽ dần được HNX tích hợp và cung cấp thông tin cho thị trường.
Chuyên gia Tài chính, TS. Đinh Thế Hiển lưu ý, mặc dù trái phiếu doanh nghiệp lên sàn nhưng vẫn sẽ có những rủi ro mà nhà đầu tư cần phải chấp nhận. Đó là nhà đầu tư cần phải coi trái phiếu doanh nghiệp như một sản phẩm chứng khoán chứ không phải là một khoản tiền gửi tiết kiệm có thu nhập cố định như trước kia. Khi đó, nhà đầu tư sẽ có một tâm thế chấp nhận rủi ro so với kỳ vọng lãi suất hay lợi tức đã được niêm yết.
Ngoài ra, theo ông Hiển chúng ta cũng không thể kỳ vọng là khi sàn này đi vào hoạt động thì ngay lập tức các nhà đầu tư sẽ lập tức tham gia thị trường, mua vào và giúp “phá băng” thanh khoản. Bởi “phá băng” thanh khoản còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ông Hiển đánh giá việc xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp này là bước đầu để có một thị trường an toàn, minh bạch và khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục là do sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Chính những chính sách sát với thực tế đã giúp thị trường không bị đổ vỡ và quay trở lại hoạt động có hiệu quả.
Theo thống kê đến giữa tháng 5, đã có khoảng 100 doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu đến hạn đáo hạn. Danh sách này vẫn đang dài thêm và chờ thông tin thống kê cập nhật do việc công bố chậm thanh toán trái phiếu có khoảng trễ, nhưng ghi nhận từ thị trường cho thấy đã và đang xuất hiện tiếp những tên tuổi doanh nghiệp lớn, dẫn đầu nhóm bất động sản và năng lượng có các lô trái phiếu chậm thanh toán. Tháng 6 với dữ liệu “đỉnh” của lượng trái phiếu cần thanh toán, do đó thị trường trong vài ngày tới sẽ tiếp tục đón các thông tin này.
Dữ liệu của CTCK KBSV dự tính, sẽ có khoảng 150,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào nửa cuối năm 2023. Trong đó, lượng trái phiếu đáo hạn tập trung vào quý 3 với 91,8 nghìn tỷ, tăng 26% so với quý liền trước.
Theo KBSV, áp lực đáo hạn sau đó hạ nhiệt trong vòng 2 tháng trước khi tăng mạnh trở lại lên mức 30,6 nghìn tỷ vào tháng cuối năm 2023.
Nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 63,3 nghìn tỷ đồng và chiếm 42% tổng giá trị đáo hạn trong 6 tháng cuối năm.
Quy mô đáo hạn lớn, áp lực nợ vay và chi phí tài chính đang dồn ép khả năng khả trợ và thanh khoản của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, KBSV cũng cho rằng một số yếu tố hỗ trợ khác cũng đã xuất hiện và tác động tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và ngành bất động sản nói riêng như: i) doanh nghiệp dễ đàm phán với trái chủ hơn nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ; ii) Các chính sách hỗ trợ thị trường Trái phiếu doanh nghiệp được ban hành ở Nghị định 08 và Thông tư 02,03; iii) Mặt bằng lãi suất giảm (dù có độ trễ), giúp phần nào giảm áp lực trả lãi vay từ đó hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Cần phải bổ sung thêm rằng trong bối cảnh như vậy, sự vận hành sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà thị trường chờ đợi đã lâu, với nút đã bấm từ hôm nay, là một trong những động lực hỗ trợ lớn nhất, kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên thị trường và nền kinh tế nói chung.