Trải nghiệm là yếu tố cốt lõi thu hút nhân sự

Thu hút và giữ nhân sự đang là thách thức trong quản trị của không ít doanh nghiệp khi mức lương cao và những đãi ngộ tốt chưa phải là đủ.

Nhu cầu không thể thiếu của nhân sự

Vậy thì, người tài mong đợi gì ở doanh nghiệp? Đó là giá trị của niềm tin tạo nên sức mạnh doanh nghiệp. Mỗi nhân sự lựa chọn công ty để gắn bó, cống hiến đều gửi gắm niềm tin. Niềm tin đó càng được vun đắp hơn trong quá trình làm việc.

Cùng với niềm tin, trải nghiệm đang trở thành trục xuyên suốt gắn kết và giữ nhân sự. Đứng ở góc độ của doanh nghiệp chuyên tư vấn và kết nối tuyển dụng nhân sự, ông Trần Trung Hiếu – CEO công ty CP TopCV cho rằng, giữ chân nhân sự bằng trải nghiệm càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn với các doanh nghiệp có số lượng nhân sự gen Z lớn bởi keyword quan trọng của thế hệ này là sự trải nghiệm. Các bạn trẻ năng động, làm việc với điện thoại di động, với internet, với wi-fi ở khắp mọi nơi và trải nghiệm rất nhanh. Thế hệ của trải nghiệm không đặt thu nhập (lương) là yếu tố hàng đầu trong công việc.

Trải nghiệm là yếu tố cốt lõi thu hút nhân sự
Tổ chức các cuộc thi ảnh là một trong những trải nghiệm phổ biến tại nhiều doanh nghiệp 

Báo cáo tuyển dụng ở TopCV năm 2022 cho thấy, trên 70% các bạn trẻ hiện nay đặt yếu tố cơ hội lên hàng đầu. Đó là cơ hội phát triển, cơ hội học hỏi. Sự thay đổi này không chỉ là “đặc quyền” của riêng nhân sự gen Z mà đang lan toả đến thế hệ gen X, gen Y. Cộng hưởng với đó là những thay đổi trong tư duy, suy nghĩ từ tác động của dịch bệnh COVID – 19 khiến cho trải nghiệm trở thành nhu cầu không thể thiếu của nhân sự trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, ở thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, trải nghiệm của nhân sự cần nhanh hơn, tốt hơn, thay đổi nhiều hơn. Đó là lý do tại sao văn hóa số hình thành trong nhiều doanh nghiệp với hai cấu phần quan trọng: văn hóa doanh nghiệp và yếu tố số hóa góp phần gia tăng dư vị trải nghiệm so với bình thường. Chúng ta có thể thấy, một số hoạt động tại doanh nghiệp trước đây phải mất nhiều thời gian thực hiện hoặc không thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đám đông nhưng khi ứng dụng công nghệ, mọi thứ lại khác hoàn toàn.

Một hoạt động đang được nhiều doanh nghiệp triển khai hiện nay là tổ chức cuộc thi ảnh, bình chọn lời chúc ý nghĩa nhân dịp sinh nhật doanh nghiệp trên mạng xã hội. Bà Nguyễn Hoài Giang – chuyên gia tư vấn, đào tạo quản trị nhân sự thuộc HRC Academy cho hay, đây không phải là hoạt động chúc mừng bình thường mà là cách xây dựng thương hiệu tuyển dụng gián tiếp cho doanh nghiệp. Sự kiện này nếu áp theo KPI sẽ trở thành hình thức bắt buộc và người tham gia có sự khiên cưỡng, đôi khi làm để cho có khiến cho cuộc thi thiếu sức sống, thiếu sáng tạo. Tuy nhiên, khi trải nghiệm này được game hóa, trở thành trò chơi tạo sức lôi cuốn với người chơi thì trò chơi đó tràn ngập cảm xúc và cuốn hút nhân sự tham gia một cách rất tự nhiên, hào hứng.

Bốn nguyên lý cần có văn hoá trải nghiệm

Phát triển văn hóa doanh nghiệp hay văn hóa số cho sự trải nghiệm của nhân sự, theo CEO Trần Trung Hiếu, điều đầu tiên và quan trọng nhất là người lãnh đạo hay người làm quản trị phải coi nhân sự là trung tâm của mọi quyết định.

Trải nghiệm là yếu tố cốt lõi thu hút nhân sự
CEO TopCV Trần Trung Hiếu

Nói cách khác nhân sự trong công ty chính là khách hàng của mình. Doanh nghiệp cần chăm sóc, đặt khách hàng đó làm trọng tâm, trung tâm để tìm kiếm, xây dựng giải pháp, trải nghiệm tốt nhất để tạo sự hài lòng của khách hàng, để khách hàng luôn nhớ đến doanh nghiệp, gắn bó và góp phần tạo sự phát triển cho doanh nghiệp. Nếu không có tư duy này, việc tìm kiếm giải pháp, trải nghiệm nhiều khi được thực hiện theo tính chất cho có hoặc không hiệu quả, rất lãng phí.

Thứ hai là sự cộng tác, tương tác. Trải nghiệm nào cũng vậy, muốn trở nên ý nghĩa và có sức sống cần có sự tương tác  bởi văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ công sức của tập thể. Vì vậy, cần lựa chọn các giải pháp để mọi người có thể tương tác với nhau càng nhiều càng tốt, qua đó doanh nghiệp có thể hiểu nhân sự của mình đang nghĩ gì, cần gì? Làm thế nào để cải thiện tốt hơn?

Thứ ba là số liệu, được hình thành từ việc thực hiện tốt nguyên lý thứ 2. Đó là Data-Driven: Mọi quyết định được dựa trên số liệu, dựa trên sự đồng thuận của các nhân sự trong doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả.

Cuối cùng là không ngừng đổi mới sáng tạo bởi bất cứ trải nghiệm nào sau một thời gian đều mang lại nhàm chán. Thay đổi hay phát triển các giải pháp trải nghiệm cần dựa vào ba nguyên lý trên sẽ xây dựng nền móng tốt cho văn hóa số.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button