TPHCM – Khai thông, kết nối những công trình hạ tầng
Những ngày tháng 4 lịch sử sau 47 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, TPHCM hoàn thành nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tạo nên diện mạo mới TPHCM. Cũng trong những ngày này, Trung ương xem xét ban hành cơ chế để đẩy nhanh một số dự án giao thông có ảnh hưởng không chỉ riêng của TPHCM, mà còn cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Kênh Nước Đen được hồi sinh
Những công trình hoàn thành trong tháng 4 lịch sử
Theo kế hoạch, dự án cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30-4. Dự án được khởi công vào năm 2015, có quy mô 6 làn xe, dài hơn 1,4km, nối liền 2 bờ sông Sài Gòn từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức qua trung tâm quận 1. Cầu Thủ Thiêm 2 có vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn (quận 1), sau đó vượt sông Sài Gòn kết nối đại lộ vòng cung (tuyến R1) của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), do CTCP Địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Ban đầu, TP dự kiến cầu hoàn thành năm 2018, song gặp nhiều vướng mắc nên lỗi hẹn.
Công trình khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải lưu lượng giao thông ở khu vực giao nhau của nhiều tuyến đường huyết mạch phía quận 1 là Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Thánh Tôn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội TP Thủ Đức nói riêng và TPHCM nói chung (hiện nay người dân qua lại 2 khu vực thông qua cầu Thủ Thiêm 1 và hầm Thủ Thiêm).
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống và cầu Mỹ Thủy 3 cũng sẽ hoàn thành trong tháng 4, giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở cho cửa ngõ cảng Cát Lái. Trong đó, cầu Mỹ Thủy 3 (thuộc dự án nút giao Mỹ Thủy) có tổng mức đầu tư gần 57 tỷ đồng, dài 325m, phần cầu dài 75m chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh rộng 12m.
Năm nay TPHCM tập trung phát triển các dự án hạ tầng giao thông giúp tăng kết nối vùng và giảm ùn tắc. Trong đó, dự án xây dựng đường song hành Võ Văn Kiệt (quận 1) đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để sẵn sàng thông xe vào tháng 4.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 54 tỷ đồng, khởi công hồi tháng 5-2021. Tuyến đường có chiều dài 615m, rộng 7m, nằm cặp bên Đại lộ Võ Văn Kiệt, dọc theo bờ kênh Tàu Hủ và phía dưới cầu Calmette. Đây còn là tuyến đường huyết mạch, liên kết TPHCM với các tỉnh lân cận.
Dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân) được khởi công quý I-2020 với tổng vốn đầu tư 629 tỷ đồng, cũng dự kiến hoàn thành trước ngày 30-4. Dự án đã cơ bản hoàn thành sau 2 năm thi công, giúp việc đi lại được thông thoáng và cải thiện môi trường cho khu vực. Hiện 2 bên bờ được kè lại cho chắc chắn, đồng thời lắp đặt lan can cao hơn 1,5m. Công trình đã làm thay đổi diện mạo đô thị TPHCM nói chung, khu vực quận Bình Tân nói riêng.
Cầu Thủ Thiêm 2 đang chờ ngày khai thông.
Mặt bằng đường Lê Lợi (quận 1) dự kiến hoàn trả đúng dịp 30-4. Từ giữa năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur) đã được nhà thầu rào chắn để phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát TP. Hiện nhà thầu của tuyến metro số 1 đang nỗ lực đắp đất, đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn trả mặt bằng cho Sở Quy hoạch – Kiến trúc.
Tuyến đường Lê Lợi sẽ trở thành điểm nhấn, là tuyến phố thương mại sầm uất thu hút du khách và người dân.
Những công trình tầm vóc đang triển khai
Trong những ngày tháng 4, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội thông qua một số cơ chế đặc thù để dự án đường Vành đai 3 TPHCM đáp ứng tiến độ hoàn thành trong năm 2026. Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 3 của Bộ KH-ĐT, Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp tháng 5 tới.
Tuyến đường Vành đai 3 dài 76,34km, điểm đầu dự án tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, điểm cuối thuộc huyện Bến Lức, Long An. Trong đó, đoạn qua TPHCM dài 47,51km, Đồng Nai 11,26km, Bình Dương 10,76km, Long An 6,81km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của đường Vành đai 3 là 75.378 tỷ đồng, trong đó chi phí thu hồi đất và tái định cư chiếm 43.589 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị 25.945 tỷ đồng…
Về tiến độ dự kiến, giai đoạn từ năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2022-2024 giải phóng mặt bằng tái định cư, khởi công vào cuối năm 2023 và hoàn thành vào năm 2026, quyết toán vào năm 2027. Theo Chính phủ, việc đầu tư đường Vành đai 3 TPHCM hết sức cần thiết và cấp bách.
Cụ thể, dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương cũng như cả nước. Đặc biệt, dự án còn góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô TPHCM, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông khu vực.
Theo UBND TPHCM, dự án trên nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Dự án đường Vành đai 4 nằm trên địa bàn TPHCM và tỉnh Tây Ninh, bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, tuyến đi song song với Quốc lộ 22 hiện hữu. Đoạn cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Tuyến đường có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến cao tốc 50km, trong đó đoạn qua TPHCM dài 23,7km.
Phương thức đầu tư BOT (hợp tác công tư). Khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) 15.900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 5.417 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư và chi phí khác 1.836 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư 7.433 tỷ đồng (TPHCM 5.901 tỷ đồng, Tây Ninh 1.532 tỷ đồng); chi phí dự phòng 1.214 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án (giai đoạn 1) dự kiến trong giai đoạn 2021-2025.
Theo Đỗ Trà Giang (báo Diễn đàn Doanh nghiệp)