TP.HCM: Doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn
Tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM mới đây, lãnh đạo các Hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, từ quý 4/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh có phần chậm lại, số lượng doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước đó.
Về lực lượng lao động, một số doanh nghiệp đang cho người lao động làm việc thay phiên hoặc nghỉ tết dài ngày. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước, với lý do không có đơn hàng dự trữ.
Bên cạnh đó, khảo sát của hiệp hội cũng chỉ ra rằng, số doanh nghiệp có mức lương bình quân trên 10 triệu đồng/tháng giảm từ 80% của quý 2/2022 xuống còn 65% của quý này. Đây là tín hiệu báo động của thị trường lao động đối diện nhiều khó khăn sắp tới.
“Riêng trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Thị trường đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, thị trường gần như đóng băng và có khả năng kéo dài. Sự ngưng trệ của thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan”, ôn g Hòa nhấn mạnh.
Từ những khó khăn trên, ông Hòa kiến nghị, cần hỗ trợ vốn, tín dụng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay. Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Với thị trường trái phiếu và tài chính, kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp phát hành gia hạn, mua lại hay tất toán các khoản nợ với trái chủ. Theo đó các trái phiếu của tài sản đảm bảo và có kỳ hạn 1 năm trở xuống được gia hạn 12 tháng, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm trở lên được gia hạn 18 tháng. Do niềm tin của các trái chủ bị lung lay nên kiến nghị nhà nước cần ban hành chính sách trên giúp ổn định thị trường tài chính.
Cùng với đó, về chính sách hỗ trợ về thuế, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện miễn giảm và gia hạn nộp thuế đối với thuế GTGT, thuế TNDN và tiền thuê đất. Tuy nhiên, chưa thực hiện ưu đãi thuế TNCN đối với người làm công ăn lương, là những cá nhân và gia đình ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh COVID-19 vừa qua… Vì vậy, việc miễn giảm thuế TNCN trong năm 2023 là cần thiết.
Đồng thời, để giải quyết tình hình hết sức khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Nhà nước nên tiếp tục áp dụng thuế suất thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế, thời hạn áp dụng tới hết năm 2023. Các loại thuế khác (thuế thu nhập doanh nghiệp tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét miễn, giảm để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và khuyến khích phát triển kinh tế trong thị trường cạnh tranh quốc tế khó khăn hiện nay.
Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM cũng nhìn nhận, lãi suất tăng cao đang ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất trong những tháng đầu năm.
“Với lãi suất vay trên 10% thì không thể nào ngành chế biến, lương thực thực phẩm kinh doanh có lãi. Kết hợp với giá điện, nước, chi phí đầu vào cũng đang làm cho lợi nhuận ngành thấp. Nhiều doanh nghiệp hạ tỉ suất lợi nhuận đến 50-70%”, bà Chi nêu.
Đối với vấn đề phát triển thị trường hàng hóa, bà Chi cho rằng, để ngành lương thực thực phẩm phát triển theo chiều sâu và khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thì việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu tại các tỉnh lân cận và Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành chuỗi sản xuất ngành lương thực thực phẩm tại TP.HCM đóng vai trò rất quan trọng. Song thực tế việc liên kết này chưa thật sự hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Từ đó, bà Chi kiến nghị, Thành phố và các sở ngành sớm kết nối cùng các địa phương lân cận có lợi thế phát triển vùng nguyên liệu chủ động báo cáo, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, đứng ra làm đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu chung về quản lý vùng nguyên liệu, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các địa phương, định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường, các yêu cầu về quy mô, quy trình, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng…
Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM cho rằng, ngành cơ khí là ngành công nghiệp cơ bản nhưng tại Việt Nam lại chưa phát triển tương xứng. Nếu không có hậu thuẫn chính sách thì ngành cơ khí rất khó phát triển.
Chương trình kích cầu đầu tư, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường đã triển khai, nhưng thành phố vẫn chưa duyệt hỗ trợ Lãi suất cho vay theo chương trình kích cầu, doanh nghiệp phải bán nhà để giải quyết vốn vay với ngân hàng.
“Các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó về “định kiến” chất lượng sản phẩm. Một số doanh nghiệp làm tốt nhưng vẫn phải chọn cách xuất khẩu hàng sang nước ngoài rồi nhập lại để đảm bảo xuất xứ “G7”. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm đã triệt tiêu sự phát triển của doanh nghiệp. Và những khó khăn trên cần sớm tháo gỡ”, ông Đỗ Phước Tống nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, năm 2022 vừa qua thành phố đã phục hồi và phát triển kinh tế với những kết quả kỳ diệu. Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM khẳng định, trong quá trình này, Đảng bộ, chính quyền thành phố đánh giá rất cao sự nỗ lực, đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp khi cùng nhau bật lên mạnh mẽ, giúp thành phố đạt được những kết quả vừa qua.
Ông Nên đề nghị UBND Thành phố cần cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt, Thành phố cần đẩy nhanh việc chuyển đổi số, liên thông thủ tục giữa các cơ quan quản lý và UBND Thành phố. Làm sao để các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền minh bạch, bình đẳng, lành mạnh.
“Không có vấn đề gì phải khuất tất, không nên để doanh nghiệp rón rén, đi cửa trước, cửa sau. Chính quyền phải làm tốt việc của mình, ai không làm đúng, làm tốt sẽ bị xử lý. Doanh nghiệp cũng cần làm tốt, làm đúng vai trò của mình, không phải e dè trong mối quan hệ với chính quyền”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Đồng thời, cho biết, nếu cán bộ, cơ quan nào không làm, có ý này ý khác, doanh nghiệp cứ nhắn tin, gọi điện phản ánh trực tiếp với ông để mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp được trong sáng hơn.