Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vào thời điểm khó khăn, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Năm 1973, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Biên tập viên Ban Xây dựng Đảng – Tạp chí Cộng sản, còn tôi làm Thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt – một trong bảy Uỷ viên lâm thời đầu tiên của đảng, và là một trong bốn đồng chí chỉ đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Khi đó, tôi cũng đang là cộng tác viên của Tạp chí Cộng Sản. Tính đến nay, tôi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có mối quan hệ thân thiết hơn 50 năm. Tôi cảm nhận, tuy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ rất cao trong đảng, nhưng tình đồng chí từ thủa thiếu thời vẫn không bị phai nhạt. Đây là điều rất đáng trân quý ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Không chỉ đối với bạn bè, đồng chí mà đối với thầy cô đã từng dạy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ được đức hiếu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói: “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Kính thầy yêu bạn là một phẩm chất rất đáng quý ở một người cộng sản, nhất là người đó lại là lãnh đạo chủ chốt của đảng ta.
Trải qua hơn 50 năm được cùng làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nhận thấy đây là một con người rất khiêm tốn, cho dù ở bất cứ cương vị nào cũng cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư.
Quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cương vị là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đã làm được rất nhiều việc và ngày càng quyết liệt, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch và vững mạnh hơn. Nhân dân tin yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, gọi ông là “người đốt lò vĩ đại”.
Trong thời kỳ đổi mới (Đại hội Đảng lần thứ VI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia Ban Chấp hành Trung ương đến nay được 7 khoá (35 năm). Trong 7 khoá đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 6 khoá ở trong Bộ Chính trị. Trong 6 khoá Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng, Nhà nước phân công, nhân dân tin tưởng có 3 khoá làm Bí Thư thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Đặc biệt, có hơn 2 khoá liên tục làm Tổng Bí thư.
Một trong những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Trung ương Đảng là khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta. Đại hội VI của Đảng đổi mới, Đại hội VII tiếp tục khẳng định sự đổi mới. Chính vì có đổi mới, huy động sức mạnh toàn dân, với tư tưởng lấy dân làm gốc, đổi mới là phát triển kinh tế nhiều thành phần, huy động sức mạnh toàn dân thì mới có được điều mà Tổng Bí thư nhấn mạnh tại Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Qua 6 kỳ Đại hội Đảng, với sự cố gắng của trung ương, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là 3 nhiệm kỳ XI, XII, XIII với tư cách Tổng Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có công lao rất lớn là cùng trung ương khẳng định đường lối của Tổng Bí thư Trường Chinh là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thích ứng với hoàn cảnh quốc tế hiện nay.
Cho đến nay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết tới hơn 40 cuốn sách. Một số cuốn sách tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể kể đến như: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”; “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”; “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”; “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”; “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””; “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…
Có một điều nữa khiến tôi không khỏi suy nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là một con người có tư duy rộng về vấn đề xây dựng đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan niệm, không phải xây dựng đảng bằng đội ngũ cán bộ, mà xây dựng đảng bằng chủ trương, đường lối để làm sao đường lối của đảng phải huy động được sức mạnh toàn dân.Thời gian qua, chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết, chính sách về dân tộc thiểu số, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài… Điều này đã làm cho “con lạc cháu hồng” ai cũng cảm thấy quê hương là nơi mình gắn bó mật thiết.
Những quyết sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp
Điều quan trọng nhất là tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng đảng. Đã có thời kỳ chúng ta chỉ suy nghĩ đến xây dựng đội ngũ cán bộ đảng trong sạch, vững mạnh, đảng viên phải là những người đi trước trong mọi phong trào, mọi cuộc vận động, là những người thu hút được nhân dân.
Nhưng ở thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, Trung ương đã đưa ra rất nhiều các nghị quyết để huy động sức mạnh của từng giai cấp, từng dân tộc, từng tôn giáo… nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, gắn kết giữa đường lối đúng đắn của đảng với sự tham gia của đại đa số nhân dân vào cuộc chiến đấu đó thì mới có thể đưa đến thành công.
Ví dụ, thời điểm đại dịch Covid-19 chúng ta đã có được một cuộc vận động và huy động được toàn sức mạnh của cả dân tộc cùng tham gia.
Trước đây, chúng ta có các cuộc vận động về xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… những vẫn còn một bộ phần không nhỏ người dân vẫn chưa tham gia vì không ảnh hưởng đến họ. Nhưng với đại dịch Covid-19 là một cuộc chiến đấu tổng lực, với sự lãnh đạo của đảng, lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… chúng ta đã huy động được từ người nghèo, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài… cùng tham gia đóng góp. Đây là một sự gắn kết rất lớn của đảng ta trong việc huy động sức mạnh toàn dân vào việc phòng chống đại dịch Covid-19.
Qua hơn hai nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo quyết đoán và các chính sách đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển đất nước. Đặc biệt, Tổng Bí thư đã có nhiều quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân vào thời điểm khó khăn, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và thách thức.
Năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân.
Sau hơn 10 năm, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được xem là liều thuốc đặc trị, là nguồn cảm hứng, chấn hưng tinh thần cho doanh nhân tiếp tục tin vào chính mình, vào sứ mệnh của doanh nhân với đất nước trong thời kỳ mới.
Bộ Chính trị đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc. Có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước…
Hiểu những khó khăn, thách thức mà đội ngũ doanh nhân Việt phải đối mặt khi hội nhập, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định, doanh nhân Việt “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế cũng “không kém ai”.
Việt Nam đã trải qua gần 40 năm đổi mới, trước mắt ta còn nhiều việc làm, đặc biệt đi vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đòi hỏi cạnh tranh về nguồn lực, nhân lực rất lớn. Trên con đường hội nhập, phía trước còn nhiều cam go, sẽ vẫn còn những tiêu cực, lợi ích nhóm, những “rào cản” gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp… Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, chưa bao giờ chúng ta có đội ngũ doanh nhân đông đảo, hùng hậu như lúc này. Doanh nhân Việt Nam “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế “không kém ai” và ngày càng trưởng thành, có bản lĩnh.
Đọc lại những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và những chỉ thị của Trung ương, chúng ta thấy bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ doanh nhân, thì còn có sự uốn nắn, nhắc nhở để hỗ trợ đội ngũ doanh nhân không vướng phải những sai lầm, khuyết điểm để không đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp