Toan tính mới của Masan Group
Với những toan tính mới nhất trong lĩnh vực AI, Masan Group đang cho thấy những bước đi mạnh mẽ để chuyển đổi tập đoàn này trở thành nền tảng tiêu dùng – công nghệ của Việt Nam.
Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore, công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group) đã thông qua công ty con là The Sherpa, bỏ ra đến 105 triệu USD cho 25% tỷ lệ sở hữu tại Trust IQ (Công ty TS), công ty có trụ sở chính tại Singapore, tương đương số lượng cổ phần lên đến hơn 9 triệu.
Khoản đầu tư mới
Theo Masan, khoản đẩu tư này nằm trong mục tiêu chiến lược của tập đoàn cho đến năm 2025, nhằm tạo nên hệ sinh thái Tiêu dùng – Bán lẻ – Công nghệ có khả năng đáp ứng 80% nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người Việt. Trên thực tế, công ty TS của Singapore chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phát triển phần mềm, công nghệ và ứng dụng ở quy mô toàn cầu, trong đó bao gồm phát triển các phương pháp đánh giá rủi ro tín dụng chính xác, toàn diện dựa trên công nghệ AI, khoa học máy tính (ML).
Vì vậy, đầu tư vào đây có thể giúp Masan tăng tốc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ (Retail AI), và trí tuệ nhân tạo trong tiêu dùng (Consumer AI). Đồng thời, xây dựng nền tảng khách hàng thân thiết: Ứng dụng và phát triển các công nghệ AI và ML vào lĩnh vực tiêu dùng, tích hợp xuyên suốt từ offline đến online, góp phần đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.
AI – thay đổi cuộc chơi?
Theo các nhà phân tích, hiệu quả của chuỗi cung ứng sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ trong tương lai. Lạm phát và suy thoái kinh tế có thể khiến các nhà sản xuất, bán lẻ buộc phải tăng cường các biện pháp nhằm cải thiện đáng kể hiệu quả của chuỗi cung ứng.
Đối với các nhà bán lẻ, trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự là vũ khí bí mật để quản lý thời gian và hiệu quả chuỗi cung ứng. Bằng cách triển khai các công cụ AI trong hoạt động kinh doanh của mình, các nhà bán lẻ có thể cải thiện độ chính xác của việc đặt hàng và quản lý thời gian. Các nhà kho tự động, được hỗ trợ bởi AI cũng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi khi nói đến tính hiệu quả trong việc tăng sản lượng và giảm chi phí.
Ví dụ như Amazon, “gã khổng lồ” thương mại điện tử của Mỹ đã mở một siêu thị cỡ lớn rộng gần 3.000m2 vào năm 2020 ở Los Angeles để khách hàng có thể mua sắm trực tiếp. Nơi đây là nơi sử dụng công nghệ mới nhất của Amazon bao gồm Dash Carts và Just Walk Out.
Tại siêu thị của Amazon, người mua hàng sẽ sử dụng những chiếc giỏ đựng hàng có trang bị camera cũng như cảm biến (Dash Carts), giúp có thể xác định các mặt hàng mà người mua hàng đã lấy. Sau đó, người mua có thể tự động thanh toán mà không cần xếp hàng chờ đợi. Trong khi đó, Just Walk Out là một tùy chọn thanh toán trực tuyến, công nghệ này giúp cho người mua hàng có thể quét mã QR trong ứng dụng, sau đó chèn thẻ tín dụng hoặc ghi nợ được liên kết. Hàng hóa được mua sẽ được tự động được lập hóa đơn trong giỏ hàng ảo và thanh toán, hóa đơn sẽ được thiết lập và được gửi qua kỹ thuật số.
Có vẻ đây cũng là lộ trình mà Masan đang hướng tới. Xuất phát là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng, Masan Group đang trên đường trở thành hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ duy nhất tại Việt Nam có khả năng đáp ứng 80% chi tiêu, tiêu dùng của người Việt, từ nhu yếu phẩm, F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông, chăm sóc sức khỏe và sắp tới là cả giải trí trên nền tảng số.
Và giờ đây, với thương vụ “khủng” mang tên Trust IQ, rất có thể AI sẽ là kẻ thay đổi cuộc chơi của Masan Group trong lĩnh vực bán lẻ – tiêu dùng của Việt Nam.