Tọa đàm trực tuyến “Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành”

Tạp chí Gia đình Việt Nam vừa phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Hà Nội tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành”. Chương trình nhằm giúp chị em phụ nữ nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của ung thư vú. Từ đó, hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ, chủ động tầm soát từ sớm để tăng hiệu quả chữa trị, nâng cao chất lượng sống.

Phụ nữ cần biết

Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. Bệnh xuất phát từ sự biến đổi của tế bào tuyến vú, tạo thành khối u có thể xâm lấn tại chỗ và di căn đến các cơ quan khác. Bệnh ung thư vú thường gắn với các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền, tiền sử bệnh và lối sống. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 2,3 triệu ca mắc mới ung thư vú, hơn 670.000 ca tử vong do bệnh này mỗi năm. Bệnh ung thư vú hiện có xu hướng trẻ hóa với tỷ lệ bệnh nhân thuộc các độ tuổi từ 20 đến 30 đang tăng dần.

Tọa đàm trực tuyến “Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành”
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành”

Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm gần 29% tổng số ca ung thư ở nữ giới, tức gần 3 phụ nữ mắc ung thư thì có một ca ung thư vú. Theo thông tin từ tổ chức Ung thư toàn cầu, mỗi năm, Việt Nam phát hiện mới gần 21.500 ung thư vú. Con số này đã vượt qua ung thư gan, dẫn đầu về số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam.

Chương trình Tọa đàm trực tuyến “Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa Hà Nội tổ chức nhằm giúp chị em phụ nữ nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của ung thư vú. Từ đó, hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ, chủ động tầm soát từ sớm để tăng hiệu quả chữa trị, nâng cao chất lượng sống, đẩy lùi nỗi lo ung thư.

Theo các chuyên gia, việc xác định khi nào cần sàng lọc ung thư vú, ai cần khám vú càng là việc làm cần thiết để giảm thiểu số lượng người tử vong do mắc bệnh ung thư vú trong cộng đồng. Việc tầm soát trong giai đoạn sớm là rất quan trọng, để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, việc tầm soát ung thư vú và phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm cũng đem lại những lợi ích thiết thực cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Các bệnh nhân mắc ung thư vú giai đoạn 1, 2 được chỉ định phẫu thuật. Một số trường hợp có thể phẫu thuật bảo tồn, không bắt buộc cắt bỏ toàn bộ mà chỉ phẫu thuật một phần, đồng thời tạo hình giữ lại các chức năng tuyến vú cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đến giai đoạn 3 trở đi, bệnh nhân không thể phẫu thuật bảo tồn.

Tọa đàm trực tuyến “Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành”
Bác sĩ Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Hà Nội Nguyễn Thị Phượng chia sẻ tại chương trình

Bác sĩ Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Hà Nội Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh: “Phụ nữ không nên đợi đến khi có triệu chứng mới đi thăm khám, tầm soát. Vì ung thư vú diễn tiến âm thầm và hầu như không bộc lộ triệu chứng ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng như đau, ngứa, tiết dịch… có thể tự phát hiện được là khi ung thư đã tiến triển, xâm lấn”.

Tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% khi phát hiện sớm

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về bệnh ung thư vú. ThS.BS. Phạm Duy Tùng – Bác sĩ Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, ung thư vú là bệnh có tỷ lệ mắc cao, đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư ở nữ. Tuy nhiên, đây là bệnh dễ chẩn đoán, có thể sàng lọc, phát hiện sớm.

Tọa đàm trực tuyến “Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành”
ThS.BS. Phạm Duy Tùng – Bác sĩ Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Hà Nội chia sẻ tại chương trình

“Ung thư vú là căn bệnh phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là chị em phụ nữ sau tuổi 40. Tỷ lệ mắc ung thư vú cũng có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Ung thư vú giai đoạn sớm được đánh giá gồm giai đoạn 1, giai đoạn 2, T3, N1, M0. Việc điều trị ung thư vú ở giai đoạn này giúp tỷ lệ sống thêm 5 năm dao động từ 88-93%” – ThS.BS. Phạm Duy Tùng chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ThS.BS. Phạm Duy Tùng, tỷ lệ điều trị thành công này sẽ giảm xuống chỉ còn 20-25% khi phát hiện ung thư vú ở giai đoạn 3 và 4.

BS CKII Đỗ Đức Linh – Khoa chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp Bệnh viện Đa khoa Hà Nội chia sẻ, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ung thư vú phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện. Để tăng hiệu quả chữa trị, giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân ung thư, việc phát hiện sớm giữ vai trò then chốt. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh có thể lên đến 90%, chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Tọa đàm trực tuyến “Tầm soát ung thư vú, biết sớm để chữa lành”
BS CKII Đỗ Đức Linh – Khoa chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp Bệnh viện Đa khoa Hà Nội chia sẻ tại chương trình

“Hiện nay, những phương pháp để tầm soát ung thư vú hiệu quả gồm có khám lâm sàng, chụp X-quang tuyến vú 2D và 3D, siêu âm. Người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn càng sớm thì khả năng sống sót càng cao và ngược lại. Ung thư vú có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Việc điều trị hiệu quả có thể giúp người bệnh sống thêm trên 5 năm hoặc dài hơn nữa” – BS CKII Đỗ Đức Linh cho biết.

PV

Bài Viết Liên Quan

Back to top button