Tiếp tục nâng cấp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ thông qua tăng cường hợp tác quốc tế

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, hợp tác quốc tế trong giáo dục đào tạo diễn ra như một tất yếu khách quan và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển giáo dục – đào tạo. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo đại học nói chung và hợp tác quốc tế giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học ở các nước phát triển. Xoay quanh những vấn đề nêu trên phóng viên đã có buổi trao đổi với GS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Tiếp tục nâng cấp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ thông qua tăng cường hợp tác quốc tế
GS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM

Một điều dễ nhìn thấy là những gì mà Trường Đại học Bách khoa đã và đang nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước trong suốt thời gian qua là rất đáng được ghi nhận, biểu dương. Nhân dịp này, xin ông điểm lại một vài nét nổi bật của Trường trong những năm gần đây?

Kể từ cột mốc thành lập năm 1957, Trường Đại học Bách khoa đã có 68 năm phát triển, giữ vững vị thế là nơi đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật hàng đầu cả nước.

Những năm gần đây, Trường Đại học Bách khoa có bước chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều mảng công tác. Trong công tác quản trị Đại học, trường bắt đầu tiến trình tự chủ đại học vào năm 2021, đáp ứng yêu cầu và xu thế của các trường đại học hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế. Thông qua áp dụng đề án vị trí việc làm và đề án tiền lương mới, thu nhập của viên chức người lao động từng bước được cải thiện, đời sống được nâng cao. Ngoài ra, công tác chuyển đổi số trong quản trị đại học đã được thực hiện nhanh chóng thông qua việc chuẩn hóa và số hóa các quy trình tác nghiệp, triển khai văn phòng điện tử, và xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu của nhà trường. Công tác quản trị đại học đang tiếp tục được cải tiến để đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới của nhà trường.

Trong hoạt động khoa học công nghệ, từ con số khoảng 20-30 tỷ/năm của hơn 10 năm về trước, hiện nay doanh thu chuyển giao công nghệ trung bình năm của trường đạt 150 – 170 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với giai đoạn trước. Số lượng công bố khoa học quốc tế thuộc danh mục Scopus/WoS của trường từ khoảng 200-300 bài/năm ở giai đoạn trước, nay đã có bước biến chuyển đột phá đến hơn 1.000 bài/năm, tăng gấp khoảng 05 lần. Trong đó hơn 50% là các tạp chí xếp hạng từ Q2 trở lên trong cơ sở dữ liệu WoS/Scopus, khoảng 8-10% bài báo được đăng trên các tạp chí top 20 của ngành. Năm 2024, lần đầu tiên trường nằm trong nhóm các trường đại học có doanh thu nghìn tỷ, dẫn đầu cả nước với tỷ lệ doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ chiếm 10%. Những năm qua, Trường Đại học Bách khoa đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, tiêu biểu trong đó có chương trình hỗ trợ và phát triển các nhóm nghiên cứu, chương trình hỗ trợ công bố quốc tế; đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ nghiên cứu và đặc biệt có cơ chế được quy định rõ ràng trong đề án vị trí việc làm để tạo động lực cho các nhà khoa học tham gia hoạt động nghiên cứu. Riêng năm 2024, trường dành kinh phí hơn 40 tỷ động hỗ trợ công bố khoa học hiệu quả và phát triển các nhóm nghiên cứu.

Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, trường liên tục cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học công nghệ, tiến gần tới chuẩn quốc tế thông qua các chương trình quốc tế hóa, đồng thời thu hút các đối tác quốc tế để hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác với nhà trường. Năm 2024, công tác quốc tế hóa giáo dục đại học tại chỗ của Trường Đại học Bách khoa có sự tăng trưởng mạnh khi ghi nhận tỷ lệ sinh viên các chương trình quốc tế chiếm 28% trong tổng số sinh viên nhập học. Theo kế hoạch chiến lược, trong năm học tới, trường tiếp tục mở rộng thêm các ngành Dạy và học bằng tiếng Anh và đặc biệt tháng 4 năm 2025 sẽ chính thức mở mới chương trình liên kết cử nhân kỹ thuật quốc tế với Đại học Công nghệ Sydney, Úc. Đặc biệt, Trường Đại học Bách khoa luôn chủ động bắt nhịp với xu hướng phát triển và đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia để nâng cấp chương trình đào tạo, tiêu biểu nhất là chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn mà trường đã có kinh nghiệm hơn 20 năm. Mới đây, trường đã ký kết hợp tác với tập đoàn Marvell về vi mạch bán dẫn, trở thành đối tác học thuật đầu tiên tại Việt Nam của ông lớn công nghệ này. Song song đó, dự kiến trong năm học tới, trường sẽ tuyển sinh một số ngành học mới theo hướng công nghệ số (như ngành Công nghệ Sinh học số, Kinh doanh số,…). Đây là hướng phát triển tất yếu nhằm trang bị kiến thức và năng lực số cho nguồn lực tương lai.

Tiếp tục nâng cấp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ thông qua tăng cường hợp tác quốc tế

Trong công tác kiểm định chất lượng và xếp hạng quốc tế, chất lượng đào tạo của trường ngày càng vươn tầm quốc tế. Trường đang dẫn đầu cả nước với 66 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế như ABET, CTI, FIBAA, ASIIN, AUN-QA,… Năm 2024, Trường đạt chứng nhận tái kiểm định cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn HCERES. Đặc biệt, mới đây, có 09 nhóm ngành mà trường tham gia đào tạo trong hệ thống ĐHQG-HCM thuộc top 500 thế giới theo QS Rankings 2025. Đây là lần thứ tư liên tiếp ngành Kỹ thuật Dầu khí của trường thuộc nhóm 51-100 trên BXH này.

Trong công tác khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo (KN-ĐMST), trường đang ở vị trí tiên phong với sự hoạt động sôi nổi của Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và các chương trình hỗ trợ KN-ĐMST. Từ 2010 đến nay, Trung tâm đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ ươm tạo chính thức 88 doanh nghiệp, trong đó 17 doanh nghiệp đã nhận được vốn đầu tư với tổng số tiền gọi vốn là 16,67 tỷ đồng và 03 doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ. Trung tâm cũng đã tổ chức đào tạo môn học KN-ĐMST chính khóa và ngắn hạn cho hơn 3.600 sinh viên, học viên.

Được biết, một điểm mạnh nữa của Trường Đại học Bách khoa là những hoạt động liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học trên thế giới. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Trường Đại học Bách khoa đã và đang triển khai đề án Quốc tế hóa giáo dục đại học với định hướng phát triển một hệ sinh thái quốc tế tại chỗ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và quản trị đại học theo chuẩn quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế của trường trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, trường hợp tác với hơn 150 trường đại học và tổ chức quốc tế đến từ các quốc gia như Úc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand… Đặc biệt, các đối tác như Đại học Monash, Đại học Queensland, Đại học Adelaide, Đại học Griffith (Úc), Đại học Sorbonne Paris Nord, École Nationale Supérieure, Grenoble INP (Pháp), Đại học Quốc gia Yokohama, Viện Công nghệ Tokyo, Đại học Nagaoka (Nhật), Đại học Kentucky, Đại học Bang Arizona, Đại học Illinois (Mỹ), Đại học Otago, Đại học Auckland (New Zealand)… đều thuộc top 1% các trường đại học hàng đầu thế giới. Các chương trình liên kết đào tạo như chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV) hay chương trình liên kết quốc tế (2+2, 3+1) giúp sinh viên có cơ hội học tập và nhận bằng quốc tế.

Bên cạnh đó, trường là thành viên của nhiều mạng lưới giáo dục và nghiên cứu uy tín như AUN, AUN-SEED/Net, RESCIF, AUF, SEATUC, IIES, tạo điều kiện kết nối và phát triển các dự án hợp tác toàn cầu về tăng cường năng lực cũng như về trao đổi giảng viên, sinh viên. Hàng năm, hàng trăm lượt sinh viên được tham gia các chương trình trao đổi, thực tập tại các doanh nghiệp và trường đại học đối tác. Hoạt động này góp phần giúp sinh viên nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ và phát triển tư duy toàn cầu. Nhà Trường cũng chú trọng mời các giảng viên, chuyên gia quốc tế đến giảng dạy và hợp tác nghiên cứu, góp phần thúc đẩy môi trường học thuật đa văn hóa.

Tiếp tục nâng cấp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ thông qua tăng cường hợp tác quốc tế

Hoạt động hợp tác quốc tế mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người học, cơ sở đào tạo và cho xã hội. Đối với sinh viên, các bạn có cơ hội học tập với giáo sư nước ngoài, tham gia trao đổi, thực tập quốc tế, nâng cao chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ và mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Đối với nhà trường, đây là một chiến lược hiệu quả để tiếp thu tinh hoa giáo dục toàn cầu, nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, quản trị, và khẳng định vị thế quốc tế, hướng đến mục tiêu trở thành đại học hàng đầu khu vực. Đặc biệt, đối với xã hội, đây là nền tảng cung ứng nguồn nhân lực có trình độ quốc tế cho xã hội, đồng thời góp phần nâng cao định vị giáo dục Việt Nam, thu hẹp khoảng cách với các nền giáo dục tiên tiến.

Những nỗ lực thúc đẩy các hoạt động liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường đại học trên thế giới này không chỉ giúp Trường Đại học Bách khoa nâng cao chất lượng đào tạo mà còn đóng góp vào mục tiêu đưa TP. HCM trở thành trung tâm giáo dục quốc tế, thu hút sinh viên và giảng viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu. Giai đoạn 2025-2030, trường đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng hợp tác, phát triển các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, tiến tới trở thành một trong những đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á, hướng đến năm 2045 tiệm cận các đại học tiên tiến trên thế giới.

Những gì ông chia sẻ ở trên đã đóng góp vào bề dày thành tích, làm nên uy tín, thương hiệu của Trường Đại học Bách khoa. Vậy, những định hướng phát triển trong thời gian tới của Trường được xác định cụ thể như thế nào, thưa ông?

Trong bối cảnh nước ta chú trọng phát huy năng lực nội tại để phát triển nền công nghiệp quốc gia thực sự mạnh, Đảng và Nhà nước đã đưa ra các cơ chế thúc đẩy khoa học công nghệ, khơi thông hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, gần đây nhất là Nghị quyết 57-NQ/TW. Theo tôi, đây sẽ là nguồn động lực để Trường Đại học Bách khoa – vốn đã có kinh nghiệm và lợi thế trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật – tiếp tục thực thi các kế hoạch chiến lược đang ấp ủ.

Theo đó, trường hướng đến xây dựng chiến lược phát triển thành trung tâm KHCN-ĐMST khu vực miền Nam, quy tụ các nhà khoa học, các tập đoàn công nghệ hợp tác với trường. Các thành tích về hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đô và hợp tác đối ngoại nêu trên trong gần 10 năm qua đã thể hiện chiến lược dài hạn của nhà trường để trở thành một trung tâm KHCN và ĐMST hàng đầu quốc gia và khu vực. Nhà trường hướng đến mục tiêu quy tụ các nhà khoa học hàng, tập đoàn công nghệ, hợp tác đào tạo nhân tài về kỹ thuật công nghệ ở các lĩnh theo nhu cầu của xã hội, làm chủ công nghệ lõi thuộc danh mục công nghệ chiến lược quốc gia và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.

Bên cạnh các thế mạnh phát triển công nghệ ở các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, hệ thống robot công nghiệp, thiết kế vi mạch, tự động hoá, cơ khí chính xác, năng lượng tái tạo, v.v… nhà trường đã và đang hình thành các nhóm nghiên cứu định hướng trọng tâm, chiến lược dài hạn như tính toán và công nghệ lượng tử, phương tiện tự hành, năng lượng tái tạo tiên tiến, công nghệ hạt nhân, vi mạch, hệ thống đường sắt tiên tiến, hệ sinh thái robot, vật liệu bán dẫn. Đây là bước chuẩn bị lâu dài và cần có sự quan tâm đầu tư từ nhà nước và hợp tác với các đối tác học thuật trong và ngoài nước cũng như doanh nghiệp.

Song song đó là nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được hiện thực hóa thông qua cải tiến chương trình đào tạo, đặc biệt phát triển chương trình dạy và học bằng tiếng Anh tại trường, xây dựng và triển khai chương trình thu hút nhân tài trong và ngoài nước, tiếp tục nâng cấp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ thông qua tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, gia tăng công ty khởi nghiệp (spin-off),…

Xin chân thành cảm ơn ông.!

Văn Lượng (thực hiện)

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button