Tiếp tục giảm lãi suất để phục hồi sản xuất: Dư địa và sức ép hạ lãi vay
Chu kỳ giảm lãi suất cho vay đồng bộ mới chỉ bắt đầu nên dư địa giảm lãi suất cho vay là vẫn còn. Nhưng nhiều hay ít và nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
LTS: Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 đẫ yêu cầu NHNN chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền và hướng dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên.
Đó là quan điểm của ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Theo ông, vì sao việc hạ lãi suất cho vay vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng dù vấn đề này đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đôn đốc quyết liệt?
Thực trạng ngưng đọng vốn và lãi suất cho vay giảm chậm như hiện nay là bình thường và không phải chỉ Việt Nam mới gặp khó khăn này. Thực tế, để mục tiêu lãi suất cho vay giảm thì bản thân phía nhà điều hành là người ra chính sách trước, nhưng ngân hàng thương mại mới là cầu nối thực sự của vốn trong nền kinh tế, đặc biệt một nền kinh tế còn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào vốn tín dụng như Việt Nam.
Quá trình giảm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng phải qua hai giai đoạn. Giai đoạn một, là giảm chi phí huy động đầu vào của ngân hàng thương mại, hiện nay chúng ta đã và đang làm rất tốt bước này. Tuy nhiên cần phải trung bình 6 tháng thì lãi suất huy động giảm mới thẩm thấu.
Giai đoạn hai, là chất lượng tài sản. Ngân hàng chỉ sẵn sàng đẩy mạnh cho vay và giảm lãi suất cho vay nếu bản thân ngân hàng cho rằng mình kiểm soát được chất lượng tài sản, hay còn gọi là nợ xấu tiềm tàng.
Ở bối cảnh hiện tại, khi hoạt động kinh doanh khó khăn, nợ xấu đang tăng nhanh, bản thân ngân hàng cũng lựa chọn phương án “phòng thủ” thay vì “tấn công”. Với chiến lược phòng thủ thì hạn chế cho vay và giữ nền lãi vay cao cũng là một trong những cách hiệu quả nhất. Theo dự đoán của chúng tôi khoảng quý 4 năm nay nợ xấu mới lập đỉnh.
Như vậy có thể nói, chúng ta đang đi đúng hướng và đã đi gần hết cả hai giai đoạn cần thiết để giảm lãi suất đầu ra và đến hiện tại mới là thời điểm thực sự chúng ta kỳ vọng được lãi suất cho vay giảm đồng bộ trên cả hệ thống. Thông thường lãi suất cho vay sẽ giảm trước, sau đó 3-6 tháng tín dụng mới thực sự cải thiện rõ rệt.
– Thực tế việc hạ lãi suất cho vay đang gây sức ép như thế nào lên phía ngân hàng và cả phía doanh nghiệp, thưa ông?
Việc hạ lãi suất cho vay chắc chắn là gây sức ép lên phía ngân hàng, bởi mục tiêu này sẽ làm giảm YEA (Yield on Earning Assets) của ngân hàng và gây áp lực lên NIM (Net Interest Margin). Nhìn vào số liệu kinh doanh của ngân hàng trong những quý gần đây, không khó để chúng ta nhận thấy cả NIM và thu nhập lãi thuần của toàn hệ thống ngân hàng chịu sức ép suy giảm chung.
Tuy nhiên, nếu nhìn số liệu kinh doanh thì rõ ràng ngân hàng đang là ngành ít chịu ảnh hưởng nhất trong bối cảnh khó khăn như chung. Chính vì vậy, việc yêu cầu các ngân hàng giảm lợi nhuận, san sẻ chung khó khăn với doanh nghiệp và người dân là điều chính xác. Đó vừa là nghĩa vụ, vừa là tầm nhìn dài hơi mà các ngân hàng cần nên cân nhắc bởi “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”.
Về phía doanh nghiệp, giảm lãi suất chắc chắn là điều mà doanh nghiệp đang vô cùng mong mỏi vào lúc này. Tuy nhiên, vẫn có sức ép mà doanh nghiệp cần phải nhìn nhận nếu hy vọng giảm lãi suất cho vay nhanh, đó là lãi suất cho vay giảm nhanh trong trạng thái ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng, thì họ hoàn toàn có thể siết chính sách tín dụng.
– Xin ông phân tích đôi nét về dư địa để ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất. Đồng thời, giải pháp để dòng tiền bơm ra nền kinh tế dồi dào hơn?
Chu kỳ giảm lãi suất cho vay đồng bộ mới chỉ bắt đầu như tôi đã nói ở trên, chính vì vậy dư địa giảm lãi suất cho vay là vẫn còn. Nhưng nhiều hay ít và nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự phục hồi của nền kinh tế trong các quý tới. Bởi chỉ khi nào ngân hàng thực sự “sẵn sàng” thì mọi thứ mới thông và họ là vẫn là “chìa khóa” của dòng vốn.
Về giải pháp ngắn hạn, phương án tốt nhất lúc này nằm ở nhà điều hành. Một mặt, hỗ trợ ngân hàng thương mại giảm lãi suất đầu vào, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống cả ngắn và trung hạn, mở kênh tái cấp vốn đặc biệt nếu cần, hỗ trợ về kéo dãn pháp lý về yêu cầu an toàn vốn và quản trị để ngân hàng dễ thở hơn.
– Xin cảm ơn ông!