Tiền Đồng giảm giá trong xu thế chung và ở mức trung bình

Dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn, chúng ta sẽ thấy mức giảm giá từ đầu năm 2024 đến nay của tiền Đồng nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình…

Đây là nhận định của ông Đinh Đức Quang – Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam.

Tại bàn tròn dự báo thị trường và chiến lược đầu tư ngày 23/5, ông Đinh Đức Quang nhìn nhận, việc lãi suất USD neo ở mức rất cao trên 5% gây áp lực mất giá lên lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND. Khi lãi suất USD ở mức cao, thị trường sẽ luôn có sự dịch chuyển dòng vốn ngược lại Mỹ để đầu tư vào các tài sản USD như tiền gửi USD, chứng khoán niêm yết tại Mỹ, giấy tờ có giá…

Tiền Đồng giảm giá trong xu thế chung và ở mức trung bình
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam chia sẻ tại bàn tròn ngày 23/5. Ảnh: UOB

“Nhìn vào dữ liệu tổng hợp của các đồng tiền từ các nền kinh tế lớn và quan trọng nhất trong hoạt động thương mại, đầu tư toàn cầu, chúng ta sẽ thấy mức giảm giá từ đầu năm 2024 đến nay của tiền đồng nằm trong xu thế chung và ở mức trung bình”, ông nhận xét.

Với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed đang giảm dần, tỷ giá USD/ VND có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động.

Theo ông Abel Lim – Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB, khả năng cắt giảm lãi suất của Fed vào giữa cuối năm nay sẽ có thể giúp giảm bớt sức mạnh của đồng USD, hỗ trợ cho sự phục hồi của VND.

“Do lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong năm nay, Fed đã phát tín hiệu rằng họ cần duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn. Việc cắt giảm lãi suất chỉ được kỳ vọng khi họ tin tưởng hơn rằng lạm phát đang chậm lại ở mức 2%. Trong bối cảnh đó, đồng đô la Mỹ đã mạnh lên và dẫn đến sự suy yếu của các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng Việt Nam. Tuy nhiên, quan điểm của UOB là Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12.

Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay. Do đó, chúng tôi kỳ vọng sức mạnh của đồng đô la Mỹ sẽ giảm bớt trong những tháng tới và đồng Việt Nam sẽ phục hồi về mức 24.000 vào cuối năm 2024.” – Ông Abel Lim nhận định.

Báo cáo của UOB cho thấy dự báo tiền Đồng, và cả các đồng tiền khác, có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024 khi lãi suất USD có thể được cắt giảm trong khi lãi suất VND sẽ hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.

Tiền Đồng giảm giá trong xu thế chung và ở mức trung bình
Đồng đô la Mỹ sẽ giảm bớt sức mạnh trong những tháng tới và đồng Việt Nam sẽ phục hồi về mức 24.000 vào cuối năm 2024, theo dự báo của chuyên gia UOB

“Điều hành lãi suất VND ra sao để hài hòa với mức lãi suất USD neo cao, đi cùng đó là nhiệm vụ khác nữa như thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, tỷ giá… là bài toán phức tạp. Tuy nhiên Việt Nam có một số thuận lợi từ vị thế là trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, cơ cấu sản xuất thương mại đa dạng, dân số trẻ và lực lượng lao động dồi dào là những cơ sở hỗ trợ tốt cho tăng trưởng.

Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng đồng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng CNY. Dự báo tỷ giá USD/ VND cập nhật của UOB là 25.600 trong quý II năm 2024, 25.100 trong quý III năm 2024: 24.800 trong quý IV năm 2024 và 24.600 trong quý I năm 2025.” – Ông Đinh Đức Quang nhận định.

Các chuyên gia của UOB cũng cho rằng Việt Nam có thuận lợi trong kiểm soát lạm phát từ cả cơ cấu tự chủ hàng hóa thiết yếu sản xuất trong nước và kinh nghiệm phối hợp các chính sách tiền tệ, tài khóa. Đây cũng là yếu tố quan trọng đối với dư địa cho các chính sách điều hành tiền tệ, ngoại hối đặc biệt trong mục tiêu giữ ổn định tiền Đồng giữa xu thế biến động chung.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button