Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông

Ngày 12/7/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Châu Phi – Trung Đông với chủ đề “Tiềm năng thúc đẩy các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông”.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, khai thác thông tin, tập quán kinh doanh, chính sách thương mại những tiêu chuẩn, quy định chỉnh sửa và cập nhật của từng mặt hàng tiềm năng khi giao thương tại thị trường châu Phi – Trung Đông.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi – Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Đông là một thị trường có tiềm năng to lớn cho hàng hóa, sản phẩm nông sản của Việt Nam. Để tiếp cận thành công trên thị trường này, các doanh nghiệp phải hiểu rõ về các tiêu chuẩn và quy định của thị trường này, đặc biệt là tiêu chuẩn Halal.

Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông
Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương chia sẻ tại hội thảo

Theo thống kê, tổng giá trị trao đổi thương mại các sản phẩm Halal toàn cầu năm 2022 khoảng 2.300 tỷ USD. Chi tiêu của người Hồi giáo cho thực phẩm khoảng 1.400 tỷ USD; tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal của các nước thành viên OIC là 444,7 tỷ USD. Những sản phẩm Halal được trao đổi chủ yếu gồm: Thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang…

Về thị trường, bên cạnh các thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal lớn ở Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia hay các nước khác như Bangladesh, Ai Cập thì các nước khu vực châu Phi – Trung Đông như Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE),… cũng là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm Halal.

Cùng một loại hàng hóa, các sản phẩm đạt chứng nhận Halal sẽ được người tiêu dùng chấp nhận chi trả nhiều hơn từ 5-10% khi sử dụng. Hơn nữa, do những lợi ích cho sức khỏe, môi trường nên hiện nay nhu cầu về sản phẩm Halal không chỉ phổ biến với những người theo đạo Hồi giáo mà ngày càng được nhiều thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu tiêu thụ.

Tuy nhiên, để có thể thâm nhập thành công và cạnh tranh được với các nguồn cung khác tại khu vực châu Phi – Trung Đông, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt những tập quán kinh doanh, quy định thị trường.

Về việc hỗ trợ nguồn lực phát triển thị trường sản phẩm Halal, bà Nguyễn Minh Phương cho biết, mặc dù chưa có các chương trình hỗ trợ dành riêng cho phát triển sản phẩm Halal, tuy nhiên hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal.

Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm nông sản Halal vào thị trường Trung Đông
Nông sản Việt có tiềm năng lớn khi thâm nhập thị trường Trung Đông

Bên cạnh đó, nguồn lực từ Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia cũng là một kênh hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường sản phẩm Halal nói chung, thị trường châu Phi – Trung Đông nói riêng. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư cho công tác xúc tiến thị trường, tích cực tham gia các chương trình, hoạt động hội chợ, kết nối giao thương… trực tiếp tại địa bàn thị trường.

Tham dự hội thảo, ông Trần Trọng Kim, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út cho biết: Ả Rập Xê-út có nhu cầu nhập khẩu trên 90% các loại hàng hóa như: gạo, các loại rau, củ, quả tươi, các loại hạt, gia vị; hàng thủy sản tươi và đóng hộp… Các sản phẩm khác trong lĩnh vực xây dựng, dệt may, phụ tùng thay thế cho các phương tiện vận tải, nội thất, than củi, trầm hương,… cũng có nhu cầu lớn.

Từ góc độ địa bàn, Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út khuyến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu thị hiếu thị trường, quy định sở tại về quảng lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ động gửi mẫu sản phẩm quảng bá, trưng bày tại Thương vụ và Đại sứ quán. Doanh nghiệp nên tham gia đoàn xúc tiến thương mại sang địa bàn mang theo hàng mẫu, hàng dùng thử quảng bá, kết nối trực tiếp, dùng sảm phẩm của doanh nghiệp làm quà tặng đối ngoại.

Bên cạnh đó, Ả Rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giáo cao và đang có nhu cầu trong trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu. Cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bên cạnh việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Đáng chú ý, ông Trần Trọng Kim đề nghị doanh nghiệp tăng cường tìm các đầu mối nhập khẩu hàng hóa mà không đi qua khu vực Biển Đỏ (hiện nay hàng hóa đến Ả Rập Xê-út qua cảng khô Riyadh, cảng Dammam và Yanbu không bị ảnh hưởng).

Lê Quân

Bài Viết Liên Quan

Back to top button