Tiềm năng phát triển điện gió trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam

Ngày 20/9, Diễn đàn “Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam” được tổ chức nhằm thảo luận và tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo trong tình huống giá năng lượng thế giới tăng cao khi mà nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Tiềm năng phát triển điện gió trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam
Chương trình do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức với sự đồng hành của PETROVIETNAM, PV GAS và PV OIL

Sau hội nghị COP26, để thực hiện cam kết giảm thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng nhanh tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối,… Thực tế nước ta đã, đang đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp. Bên cạnh đó, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Tại diễn đàn, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Tổng thư ký Hội kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, chuyển đổi năng lượng xanh là xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Với vị trí địa lý và địa hình, nước ta có tiềm năng phát triển năng lượng gió rất lớn, thuộc nhóm nước tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tiềm năng phát triển điện gió trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam
GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Tổng thư ký Hội kinh tế Môi trường Việt Nam

Để xây dựng một trang trại điện gió, ngoài tiềm năng gió, phải tính đến các yếu tố địa hình, giá cả turbin gió, tính đến chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, tính đến khả năng sử dụng các thiết bị lưu giữ, thiết bị đấu nối điện lên hệ thống,… Thực thế, với những dự án điện gió cả trên đất liền và ngoài khơi ven bờ đã phát điện thì các trang trại điện gió Việt Nam đã, đang và sẽ vận hành tốt, có hiệu quả kinh tế cao và khả năng chuyển đổi sang phát điện sử dụng năng lượng gió, là khả thi.

Một số nghiên cứu gần đây đã giúp xây dựng các mô hình/phầm mềm cho phép tính toán được sản lượng điện của từng vị trí lắp đặt turbin gió thông qua các số liệu quan trắc gió ở các cao độ khác nhau trên địa hình thực tế.

Một trong những trang trại điện gió đầu tiên áp dụng phương pháp này là trang trại điện gió Bình Thạnh 1, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận. Mô hình WAsP (do Đan Mạch xây dựng) đã được sử dụng để tính năng lượng điện sản sinh từ turbin với số liệu đo gió trên tháp cao, liên tục (10 – 15 phút một giá trị) tại độ cao 85m có tính đến độ ghồ ghề, địa hình mặt đệm với loại turbin 1,5MW Fuhrländer FLMD77 (Đức). Dự án đã tính được sản lượng điện cho từng điểm đặt turbin trong khu vực được chọn và tìm được phương án đặt 20 turbin cho tổng sản lượng điện một năm ở mức cao nhất. Kết quả này giúp dự án tính được hiệu quả kinh tế và quyết định đầu tư trang trại gió (theo đúng nghĩa) đầu tiên ở Việt Nam.

Không chỉ được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội, Diễn đàn Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam còn được phát trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ 4.0. Đại diện Ban tổ chức cho biết, các ý kiến đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ được Ban tổ chức tập hợp và gửi đến các cơ quan hữu quan trong thời gian sớm nhất.

Minh Quân

Bài Viết Liên Quan

Back to top button