Tích luỹ nguồn vốn con người, sẵn sàng cho FDI chất lượng cao
Cả số lượng dự án và số vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam tiếp tục tăng ở mức rất cao.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 20/4/2024, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, có 966 dự án đăng ký mới với 7,11 tỷ USD (tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký).
Trong các dự án đăng ký mới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có số vốn đăng ký lớn nhất, với gần 5 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,03 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Cùng với số vốn đăng ký mới, 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo có mức giải ngân đạt 4,93 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện. Tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam dự báo tiếp tục có chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới. 4 tháng đầu năm cũng là thời điểm nhiều tỷ phú công nghệ đã có mặt tại Việt Nam. Ngay trong tháng 4, ngoài tỷ phú công nghệ Tim Cook của “nhà táo” Apple, Phó Chủ tịch Nvidia Keith Strier cũng đang dẫn đầu đoàn công tác cấp cao của tập đoàn khảo sát 3 thành phố lớn để lựa chọn điểm đến đầu tư chuẩn bị cho 3 dự án lớn về công nghệ cao của tập đoàn.
Bà Dorsati Madani – chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam ngày càng chứng tỏ vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn về tương lai trong trung hạn, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB nhấn mạnh: việc quan trọng với Việt Nam hiện nay không chỉ quan tâm đến số lượng dự án, nguồn vốn FDI mà cần xây dựng, tích luỹ nguồn vốn con người và chú trọng đến thu hút FDI chất lượng.
Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những vấn đề được các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới, nhất là các tập đoàn bán dẫn, công nghệ dành sự quan tâm đặc biệt trong các buổi làm việc với các đối tác và địa phương ở Việt Nam
“Muốn tăng trưởng bền vững và hướng đến vị thế thu nhập cao, cần thay đổi tính chất sản xuất và mô hình kinh tế. Để làm được điều này, đòi hỏi nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam tích cực đổi mới sáng tạo công nghệ vốn là đầu vào sản xuất và mang lại giá trị tăng thêm. Chỉ khi chuẩn bị nguồn vốn con người – nguồn nhân lực chất lượng sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ và dần dần làm chủ công nghệ, tạo lan toả của dự án FDI” – bà Dorsati Madani cho biết.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn