Thương hiệu cho gia vị Việt vào EU
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, tăng cường năng lực các doanh nghiệp gia vị khi muốn xuất khẩu sang EU là một đòi hỏi cấp thiết.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp thực hiện dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam” (SFV-Export).
Trao đổi với DĐDN, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, tăng cường năng lực các doanh nghiệp gia vị khi muốn xuất khẩu sang EU là một đòi hỏi cấp thiết.
– Thưa bà, doanh nghiệp đang gặp “rào cản” lớn nào khi đưa mặt hàng hồ tiêu nói riêng và sản phẩm gia vị Việt nói chung khi xuất khẩu vào thị trường EU?
Các tiêu chuẩn mà các thị trường yêu cầu đều là đảm bảo các quy định về kiểm soát chất lượng ngày càng ngặt nghèo. Trong đó, hàng rào lớn nhất hiện nay là các tiêu chí quản lý về dư lượng, với sản phẩm gia vị là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, hai vấn đề này EU đặt tiêu chí rất cao các và ngày càng mở rộng ngày càng nhiều, mức độ ngày càng chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, vấn đề dư lượng này bị ảnh hưởng nhiều từ quá trình trồng, thậm chí cả trước khi trồng, do đó ảnh hưởng tới ngay nguyên liệu đầu vào. Quá trình trồng này do nhiều yếu tố, đặc biệt là do bà con canh tác chưa cập nhật những đáp ứng của thị trường bên mua, liên kết sản xuất chưa đủ mạnh để doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ nông dân 100% trong quá trình canh tác.
– Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành là gì, thưa bà?
Hiện nay doanh nghiệp đã làm tốt vấn đề thị trường, chúng tôi không thiếu thông tin thị trường. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã có thương hiệu của mình.
Để xuất khẩu được, chúng ta phải có thương hiệu, thương hiệu phải có từ gốc từ thực tế sản phẩm, quản lý sản xuất bền vững. Tuy nhiên, nhận thức về thương hiệu của thị trường EU đối với các mặt hàng gia vị tiêu chuẩn còn thiếu. Trong khi đó, các doanh nghiệp thiếu các thủ tục phù hợp để tăng năng lực ngành và bán hàng hóa tại EU tạo ra công suất toàn ngành mạnh mẽ.
– Vậy bà có đề xuất nào tới các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những “rào cản” này?
Chúng ta đã có chiến lược phát triển cho từng mặt hàng chủ lực, đặc biệt với hồ tiêu -mặt hàng tỷ USD. Tuy nhiên cần có chiến lược phát triển lâu dài cho cây tiêu, tạo nhận thức cho người tiêu dùng về sản phẩm tiêu Việt Nam, tạo uy tín.
Các bộ, ngành có liên quan mà chủ chốt là Bộ NN&PTNT nên có liên kết ngành hàng, liên kết chặt chẽ hơn với địa phương để đảm bảo khả năng cung cấp nguyên liệu.
Bên cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận mô hình liên kết trực tiếp tại vùng nguyên liệu với nông dân, có thể từ 10 – 30 hộ nông dân cùng trong diện tích doanh nghiệp canh tác thực hiện chung quy trình sản xuất, tạo điều kiện đưa ra sản phẩm có tính đồng nhất cao hơn. Chúng ta phải xây dựng vùng sản xuất lớn hơn, đảm bảo tính thống nhất cao hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thuận lợi khi tìm được nguồn hàng xuất khẩu.
Khả năng mở rộng liên kết cũng tùy thuộc vào khả năng tài chính và năng lực xuất khẩu của từng doanh nghiệp. Bởi khó khăn ở đây là doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn để đủ sức bao quát vùng nguyên liệu từ khâu trồng, sản xuất cho đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường. Mở rộng liên kết cần mang tính dài hạn không thể trong “một chốc một lát”.
– Xin cảm ơn Bà!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn