Thuế tối thiểu toàn cầu: Doanh nghiệp đề xuất cơ chế hỗ trợ ưu đãi
Ước tính các quốc gia sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 hơn 12.000 tỷ đồng nếu Việt Nam chậm áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Cuộc chơi toàn cầu
Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết: đến nay, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với gần 35.000 dự án, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu, tiếp theo là Singapore, Nhật Bản, Đài Loan.
Hiện có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15% như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron… Tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong lúc đó, ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024. Nếu Việt Nam không ban hành mức thuế tối thiểu, vẫn để ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng thuế này – vẫn phải nộp bổ sung phần chênh lệch thuế suất thấp tại Việt Nam với thuế suất 15% về Hàn Quốc. Tính cả các nước khác sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 hơn 12.000 tỷ đồng nếu Việt Nam chậm áp dụng quy tắc thuế này
Do đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa đảm bảo quyền đánh thuế vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang và sẽ kinh doanh tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Triều Thiên – CEO mạng lưới chuyên gia toàn cầu Vietnam Startup Ecosystem nhấn mạnh: Xu hướng toàn cầu này có thể khó khǎn trong thu hút được các doanh nghiệp vệ tỉnh thuộc chuỗi cung ứng của những nhà đầu tư lớn thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế 10% trong 15 năm. Đây là những doanh nghiệp đóng góp phát triển ngành công nghiệp tại Việt Nam. Mức thuế suất cũng sẽ tạo rào cản đối với Việt Nam trong việc phát triển các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt trong đầu tư xanh theo các cam kết COP 26.
Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu được hơn 140 quốc gia đồng thuận, Việt Nam nên nhanh chóng thúc đẩy để bắt kịp hội nhập quốc tế, kết nối vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.
Doanh nghiệp đề xuất cơ chế hỗ trợ
Là doanh nghiệp có thể chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, ông Choi Joo Ho – Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam đề xuất một số nội dung nhằm duy trì năng lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI và các chính sách ưu đãi.
Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế về khoản hỗ trợ nhằm bổ sung cho phần ưu đãi của các doanh nghiệp – tuỳ theo từng loại hình – khi áp dụng thuế suất mới này. Đồng thời, Việt Nam nên áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để giành quyền thu thuế bổ sung và có được nguồn tài chính cho các khoản hỗ trợ bằng tiền.
QDMTT có thể hiểu là một cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là biện pháp mà các nền kinh tế như Hong Kong, Singapore, Malaysia đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ áp dụng.
Quốc gia thực hiện QDMTT sẽ được ưu tiên để thu thuế bổ sung từ các đối tượng nằm trong khu vực tài phán của mình. Nếu không có cơ chế này, nguồn thu đó sẽ được chuyển đến một nước khác như xác định theo thứ tự quy tắc. Còn với doanh nghiệp, tác dụng của QDMTT là định hướng nơi phải trả khoản thuế bổ sung chứ không thay đổi về số tiền phải nộp.
Thứ hai, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam đề xuất Việt Nam xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư mới vì khi áp dụng QDMTT hiệu lực ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũ bị mất đi do thuế tối thiểu toàn cầu. Cụ thể, nên xem xét hỗ trợ tiền mặt cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, máy móc sản xuất, tiền hỗ trợ sản xuất…
Tuy đây là vấn đề mới với Việt Nam nhưng một số quốc gia như Mỹ, Đức, Ấn Độ đang thực hiện và Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm. Khoản hỗ trợ này được thực hiện qua các quy trình thủ tục đăng ký và chi trả sau khi doanh nghiệp đã nộp thuế nên Việt Nam sẽ không gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn lực tài chính và chi trả.
Để tạo được nguồn tài chính cho việc hỗ trợ tiền mặt, cơ chế QDMTT có thể giải quyết được khi Việt Nam giữ được quyền đánh thuế với phần thuế bổ sung. Hiện OECD đã cung cấp các công thức tính toán để các quốc gia có thể dễ áp dụng, tránh đánh thuế hai lần. Trong khi đó, nếu áp dụng phương án nâng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 15% có thể tạo sự phức tạp trong tính toán thuế bổ sung và khả năng cao doanh nghiệp bị đánh thuế hai lần.