Thuế suất tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng tới chiến lược doanh nghiệp Việt ra sao?

Thuế suất tối thiểu toàn cầu – giải pháp trụ cột 2 hiện đã là vấn đề “nóng” ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược đầu tư của các tập đoàn lớn cũng như chính sách thu hút đầu tư của các nước.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng tới chiến lược doanh nghiệp Việt ra sao?

Bà Vũ Thu Ngà – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam.

Vậy giải pháp nào để vừa thích ứng hiệu quả với Trụ cột 2 mà vẫn đảm bảo mục tiêu thu hút đầu tư là bài toán khó không chỉ đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Diễn đàn doanh nghiệp đã có buổi phỏng vấn với bà Vũ Thu Ngà – Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam về vấn đề này.

– Thưa bà, là một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn ưu đãi thuế cho các tập đoàn lớn đã và đang đầu tư tại Việt Nam, bà có thể chia sẻ về mức độ quan tâm của các doanh nghiệp về vấn đề thuế suất tối thiểu toàn cầu cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với hành động của Chính phủ Việt Nam?

Theo kết quả khảo sát “Các vấn đề thuế toàn cầu năm 2022” (Global Tax Survey) được Deloitte thực hiện và công bố mới đây, thuế suất tối thiểu toàn cầu được các tập đoàn đa quốc gia đánh giá là một trong những chủ đề nổi bật về thuế của năm 2022. Các tập đoàn đều cho rằng hàng loạt các nước sẽ triển khai giải pháp Trụ cột 2 vào năm 2024 và có đến 55% tập đoàn được hỏi đã tích cực tham vấn triển khai giải pháp Trụ cột 2 của OECD.

Thoả thuận cải cách thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã đạt được đồng thuận sau nỗ lực nhiều năm đàm phán của các nước thành viên OECD, của nhóm G20, nhóm G7. Có 137/141 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của Khuôn khổ hợp tác toàn diện BEPS (Inclusive Framework on BEPS, IF) đã đạt thỏa thuận khung về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, bao gồm Việt Nam.

Bởi thế, các công ty đa quốc gia có hoạt động đầu tư tại Việt Nam phải chịu tác động của Quy tắc về thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2), nếu công ty mẹ cao nhất hoặc công ty mẹ trực tiếp/gián tiếp có trụ sở đặt tại quốc gia có áp dụng Quy tắc GloBE.

Trước tác động của Trụ cột 2, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng Chính phủ sẽ có những cải cách về chính sách ưu đãi nói chung và ưu đãi thuế nói riêng nhằm thích ứng với môi trường thuế toàn cầu. Mong mỏi này yêu cầu Chính phủ một mặt cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của Trụ cột 2 đến Việt Nam đồng thời cũng cần quan sát, tham khảo cách thức và tiến trình các quốc gia khác ứng xử với Trụ cột 2 để các giải pháp đưa ra có tính thực tiễn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhưng vẫn không nằm ngoài dòng chảy của thế giới.

– Xin bà chia sẻ cụ thể hơn về ứng xử của các nước đối với giải pháp Trụ cột 2 của OECD, đặc biệt là thời điểm áp dụng giải pháp này và khả năng thay đổi nội luật của các nước?

Theo báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký OECD cho Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G20 vào tháng 7/2022, hầu hết các nước đều đang lên kế hoạch áp dụng Trụ cột 2 vào năm 2024 – chậm hơn một năm so với thời hiệu đề xuất của OECD là năm 2023. Việc thực hiện Trụ cột 2 từ năm 2024 cũng sẽ giúp OECD có thêm thời gian để phát triển Khung thực hiện Trụ cột 2, tạo điều kiện phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý thuế ở các quốc gia chịu tác động của Trụ cột 2.

Việc thực thi Trụ cột 2 yêu cầu mỗi quốc gia phải xem xét thay đổi một cách toàn diện các quy định về thuế cũng như các quy định có liên quan về đầu tư, công nghiệp, thương mại, khoa học – công nghệ, …

Nhiều quốc gia như Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Vương Quốc Anh… khả năng cao sẽ thực hiện cơ chế thuế tối thiểu nội địa để bảo vệ cơ sở thuế của họ. Đây cũng là một biện pháp giúp các quốc gia loại bỏ các ưu đãi thuế không thực sự phát huy tác dụng, cũng như hạn chế việc dịch chuyển lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia. Với một số quốc gia có hệ thống ưu đãi đầu tư chưa phát triển, Trụ cột 2 có thể được coi như một “cú hích” đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, giảm thiểu khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ quốc tế một cách hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế toàn cầu.

– Một số ý kiến cho rằng nên có biện pháp hỗ trợ bù đắp cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 2 để đảm bảo quyền lợi của họ tại quốc gia tiếp nhận đầu tư. Theo quan sát của bà, giải pháp này có được nhiều quốc gia xem xét áp dụng hay không?

Với các quốc gia đang phát triển, các ưu đãi thuế hiện hành chắc chắn bị ảnh hưởng bởi Trụ cột 2, xa hơn là sẽ không thể giữ chân các nhà đầu tư và tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn như trước. Hiện tại, các biện pháp bù đắp như trợ cấp bằng tiền đã được thảo luận, tuy nhiên vẫn cần thời gian đánh giá do phải cân nhắc tác động của các yếu tố khác như bảo đảm đầu tư, sự phù hợp với nguyên tắc của OECD trong giải pháp Trụ cột 2, sử dụng ngân sách quốc gia,…

Thuế suất tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng tới chiến lược doanh nghiệp Việt ra sao?

Nhiều quốc gia như Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Vương Quốc Anh… khả năng cao sẽ thực hiện cơ chế thuế tối thiểu nội địa để bảo vệ cơ sở thuế.

Ngược lại, với các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, các quốc gia châu Âu…, cho tới nay, chưa có quốc gia nào tuyên bố chính thức về việc ban hành các hình thức bù đắp cho nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ việc áp dụng Trụ cột 2.

– Từ cách thức ứng xử của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, bà có kiến nghị gì với Chính phủ cũng như các nhà đầu tư tại Việt Nam?

Với các nhà đầu tư nước ngoài, họ nên chủ động theo sát tiến trình thay đổi chính sách và đánh giá tác động để có các điều chỉnh chiến lược hợp lý nhằm tối ưu hoá các chính sách ưu đãi tại Việt Nam. Cụ thể, theo sát và kiến nghị chính sách. Theo đó, các nhà đầu tư cần bám sát tiến trình phát triển và hoàn thiện Khung giải pháp Trụ cột 2 của OECD, định hướng cải cách chính sách từ Việt Nam và quốc gia nước sở tại để cập nhật và có cách hiểu đúng, trên cơ sở đó tích cực chia sẻ, kiến nghị tới Chính phủ Việt Nam từ góc nhìn kinh nghiệm quốc tế để Việt Nam có những thay đổi chính sách phù hợp và đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư.

Tiếp theo đó, chủ động đánh giá tác động. Trong quá trình hoàn thiện Khung giải pháp Trụ cột 2, có thể phát sinh sự khác biệt trong quan điểm đánh giá tác động giữa các nhà đầu tư và Chính phủ các nước do đây là chính sách mới, phức tạp. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động đánh giá tác động của Trụ cột 2 ở cấp độ Tập đoàn nhằm chuẩn bị sẵn sàng trước những thay đổi về chính sách trong thời gian tới.

Với Chính phủ Việt Nam, chiến lược hành động cần tập trung vào hai phương diện. Thứ nhất, về thay đổi chính sách, các giải pháp chính sách ưu đãi về thuế và ngoài thuế cần được nghiên cứu sớm để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm kịp thời có hiệu lực với thời điểm áp dụng Trụ cột 2 vào năm 2024. Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng một số giải pháp kỹ thuật như cơ chế thuế suất tối thiểu nội địa, ưu đãi thuế suất 15% trong khoảng thời gian dài phù hợp hoặc biện pháp trợ cấp bằng tiền như một số nước đang xem xét áp dụng để giảm thiểu tác động của Trụ cột 2. Tiến trình thay đổi chính sách ưu đãi liên quan đến Trụ cột 2 của các nước cũng cần được theo sát để có các ứng xử phù hợp.

Thứ hai về quản lý doanh nghiệp, cần chuẩn bị xây dựng cơ sở dữ liệu tài chính, công cụ xác định thuế suất hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tính toán, kê khai nghĩa vụ khi áp dụng giải pháp Trụ cột 2.

Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các kênh đối thoại, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và các công ty tư vấn thuế chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng khung pháp lý về chính sách và thể chế quản lý để các giải pháp khi triển khai có tính thực tiễn, đạt được sự đồng thuận tích cực từ các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button