Thúc đẩy quá trình tái chế rác thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam

Ngày 15/1 tại Hà Nội, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam” nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả quản lý rác thải thủy tinh cũng như thúc đẩy việc tái chế thủy tinh một cách hiệu quả và bền vững. Hội thảo cũng góp phần cụ thể hóa chủ trương chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy quá trình tái chế rác thủy tinh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam
Hội thảo chuyên đề “Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam” – Phiên trao đổi và thảo luận

Trình bày về Báo cáo đánh giá hệ thống quản lý rác thải thủy tinh tại Việt Nam do Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á công bố, ông Hồ Quốc Thông cho biết tại Việt Nam, khối lượng rác thải rắn đã tăng đáng kể từ 10% đến 16% mỗi năm, và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là nơi tạo ra nhiều nhất. Thành phần chính của rác thải đô thị là rác hữu cơ, chiếm 67%; và rác từ thủy tinh chiếm 4% tổng trọng lượng rác thải rắn đô thị, rác từ thủy tinh thường không được phân loại tại nguồn. Chai, lọ thủy tinh không màu chủ yếu được thu gom bởi các công nhân của công ty thu gom rác tư nhân hoặc doanh nghiệp về công ích môi trường đô thị và được bán lại cho vựa ve chai để tăng thêm thu nhập. Một số ít vỏ chai rượu được thu thập lại cho mục đích sưu tầm, trang trí hoặc tái sử dụng vỏ chai.

Người lao động trong chuỗi thu gom không quan tâm đến việc thu mua rác thủy tinh. Nguyên nhân chính là thu nhập từ loại phế liệu thủy tinh thấp hơn so với các loại phế liệu khác như giấy, nhựa, và nhôm. Ngoài ra, việc vận chuyển và bốc xếp rác thải thủy tỉnh thường gặp nhiều khó khăn như dễ vỡ và gây nguy hiểm; và lượng rác thải từ bao bì thủy tinh thấp hơn nhiều so với bao bì nhựa, giấy, nhôm.

Ngành sản xuất thủy tinh ở Việt Nam chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp quy mô nhỏ, họ thường quan tâm đến vụn thủy tinh không màu được thu thập từ rác thải nội địa. Giá của vụn thủy tinh không màu tại những nhà máy thủy tinh này thường dao động từ 2.250 đến 2.500 đồng/kg. Trong khi nguồn cung cho vụn thủy tinh không màu nội địa không ổn định và tương đối thấp. Ngược lại, giá vụn thủy tinh không màu nhập khẩu với số lượng lớn lại rẻ hơn, khoảng 1.800 đồng/kg vào năm 2019 và khoảng 2.100 đồng/kg vào năm 2020. Do đó, các nhà sản xuất thủy tinh quy mô lớn lựa chọn nhập khẩu vụn thủy tinh từ nước ngoài do giá đầu vào rẻ hơn.

Việc áp dụng quy định EPR (Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tài chính về chi phí liên quan đến việc thu gom, vận chuyển, phân loại, và tái chế) đặt ra nhiều thách thức đối với cả các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu thử nghiệm các dự án thí điểm thu gom riêng của họ, các doanh nghiệp nhỏ vẫn cần thời gian và nguồn lực để chuẩn bị đầy đủ cho quy định EPR. Các nhà sản xuất có thể cần một khoảng thời gian từ ba đến sáu tháng để đánh giá tính khả thi của các phương án EPR khác nhau, đặc biệt là khi điều kiện hạ tầng hạn chế và tính sẵn sàng của cả hệ thống tái chế còn nhiều hạn chế. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp hay hiệp hội để thử nghiệm và thí điểm các mô hình thu gom và tái chế. Việc thử nghiệm các mô hình thu gom sẽ góp phần xác định cách tiếp cận hiệu quả nhất nhằm đạt mục tiêu tái chế thuỷ tinh của Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) tại Việt Nam.

Để cải thiện quản lý rác thải thủy tinh tại Việt Nam, các công cụ về pháp lý, thị trường, và hành vi nên được áp dụng đồng thời nhằm đẩy mạnh việc thu gom rác thải, cải thiện cơ sở hạ tầng tái chế, và hỗ trợ cho các nhóm bị thiệt thòi trong hệ sinh thái quản lý chất thải thuỷ tinh:
  • Quy định phân loại chất thải tại nguồn;
  • Tạo điều kiện cho các sáng kiến kinh tế khả thi khuyến khích doanh nghiệp thiết kế bao bì thân thiện với môi trường, tích hợp EPR và các chương trình Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR);
  • Đảm bảo việc sử dụng minh bạch và hiệu quả của quỹ môi trường và phí EPR;
  • Nâng cao việc thực thi pháp luật liên quan đến các vi phạm về rác thải;
  • Hỗ trợ tài chính cho các đơn vị tái chế thủy tinh và nhà sản xuất thủy tinh trong nước để khuyến khích hoạt động thu gom và tái chế rác thải thủy tinh;
  • Xây dựng các điểm thu gom vật liệu có thể tái chế và trang bị các cơ sở cần thiết;
  • Thực hiện hệ thống công nhận ”thực hành xanh” để khuyến khích và nâng cao trách nhiệm tái chế giữa các nhà sản xuất và nhà bán lẻ;
  • Tổ chức các chiến dịch giáo dục cộng đồng…

 

Minh Quân

Bài Viết Liên Quan

Back to top button