Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đại điền
Mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang định hướng phát triển theo hướng hiện đại, đa giá trị, sinh thái, minh bạch… Do đó, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô lớn là yếu tố phù hợp để định hướng này đi vào cuộc sống.
Mô hình đại điền ra đời trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ. Lực lượng lao động đang rút dần khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn thì việc tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm chi phí, công lao động, tạo ra giá trị cao hơn là một hướng đi đúng đắn. Đây cũng được xem là nền móng vững chắc để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp “đại điền” sẽ mở ra một hướng đi mới, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất lúa hiện nay là manh mún, khó tổ chức sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… Đồng thời, đây cũng là cơ hội thúc đẩy việc hình thành các hợp tác xã kiểu mới, cùng nhau làm kinh tế nông nghiệp.
Ông Định nêu thêm một khía cạnh, sản xuất lúa là hoạt động tạo ra khí nhà kính. Do đó, việc ứng dụng các giải pháp canh tác lúa tiên tiến như SRI, IPM, IPHM sẽ giúp các đại điền giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm chi phí sản xuất; tạo ra sản phẩm chất lượng, tiến tới xây dựng được thương hiệu. Trong tương lai, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từng bước hoạt động trồng lúa sẽ hình thành thị trường bán chứng chỉ khí thải, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Từ những nhận định này, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khẳng định, mô hình đại điền chỉ có thể thành công khi đảm bảo các yếu tố: lớn, chất lượng thương hiệu, có tổ chức và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, ông Thịnh đề nghị các doanh nghiệp, khi đồng hành cùng các đại điền cần cụ thể hóa tất cả các vấn đề để đại điền dễ dàng tiếp cận, hợp tác, áp dụng. Bên cạnh đó, các đại điền phải luôn vững tin vào hướng đi mà mình đang chọn là đúng đắn, chắc chắn thành công. Các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội sẽ luôn đồng hành…
Trên thực tế, nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp đã có định hướng phát triển phù hợp. Như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) – đơn vị sản xuất, kinh doanh lúa gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm tại thị trường cả nước nói chung và thị trường miền Bắc nói riêng.
Trong quá trình triển khai các mô hình đại điền, đại diện Vinafood 1 đã đặt vấn đề về công nghệ sau thu hoạch. “Mỗi nông hộ từ 2 đến 20 ha có thể sản xuất 12 – 120 tấn lúa tươi. Vậy công nghệ sấy nên làm như thế nào? Đó là vấn đề chúng tôi luôn luôn gặp phải…”, đại diện Vinafood 1 chia sẻ.
Chia sẻ về ứng dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) đối với sản xuất nông nghiệp đại điền, bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc, cho biết, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới.
Bà Dương Thị Ngà thông tin, các kết quả thực nghiệm cho thấy, nếu áp dụng đầy đủ các nguyên tắc SRI sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Cụ thể, giảm 40-50% lượng giống so với tập quán, giảm trung bình 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật 1 vụ, nước tưới giảm 2 lần/vụ, năng suất tăng 7-15% tương đương 15-30 kg/sào, hiệu quả sản xuất lúa tăng 5-10 triệu đồng/ha.
Theo đó, đại diện Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc cho biết, ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI vào sản xuất đại điền sẽ giúp quản lý cỏ dại tốt hơn với mục tiêu không dùng thuốc trừ cỏ, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu gạo sinh thái, bền vững, làm cỏ liên tục trên khu vực rộng trong vài năm sẽ giảm thiểu nguồn cỏ dại. Ứng dụng SRI trong thời gian dài cũng sẽ giảm áp lực sinh vật gây hại… tất cả những điều này sẽ giúp sản phẩm trồng trọt được nâng cao giá trị.
Ông Nguyễn Trường Vương, Phụ trách quản lý an toàn nông dược, công ty Syngenta Việt Nam, cho biết đã có nhiều giải pháp giúp ổn định bền vững vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả từ hoạt động sản xuất lúa như thúc đẩy việc phát triển giải pháp, ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất; hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần trong chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng các kiến thức canh tác hiện đại vào sản xuất; tăng cường hướng dẫn tập huấn sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm và bền vững…
Những giải pháp này đều đưa lại năng suất, chất lượng và thu nhập cao hơn cho người nông dân. Nếu các giải pháp này được ứng dụng trên những thửa ruộng lớn, chắc chắn hiệu quả sẽ ngày càng tăng.