Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội xanh tại Việt Nam
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Viện IBST) tổ chức Hội thảo: Mô hình nhà ở xã hội xanh – thách thức và cơ hội. Sự kiện là nơi các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng mô hình nhà ở xã hội xanh đưa các thảo luận, giải pháp đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của nhà ở xã hội xanh tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Phát triển nhà ở xã hội không chỉ là nhiệm vụ cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Chiến lược Phát triển Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đặt mục tiêu xây dựng 100 triệu m2 diện tích sàn mỗi năm, trong đó ít nhất 20% diện tích sàn dành cho người có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án nhà ở xã hội được triển khai với tổng quy mô 593.428 căn, nhưng mới chỉ có 103 dự án hoàn thành với hơn 66.755 căn hộ. Số lượng này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc nghiên cứu và đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để tạo nguồn lực bền vững, hỗ trợ tài chính cho các dự án nhà ở giá rẻ.

Với mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết Net Zezo Carbon thì việc phát triển nhà ở xã hội xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải Carbon đang trở nên cấp thiết.
Xây dựng công trình, tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng phát triển mà ngành xây dựng đang hướng tới, với các công trình thiết kế thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện năng đã và đang được xây dựng đưa vào vận hành trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong đó, các dự án, công trình nhà ở xã hội xanh, tiết kiệm năng lượng, phát thải carbon thấp là một phần không thể thiếu.

Theo Viện trưởng Viện IBST Nguyễn Hồng Hải, để các dự án nhà ở xã hội thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế và đảm bảo chất lượng lâu dài, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống khung kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế – thi công – nghiệm thu là cần thiết.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn không chỉ đảm bảo an toàn kết cấu mà còn định hướng cho việc áp dụng các giải pháp thiết kế tối ưu, sử dụng vật liệu phù hợp, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công. Thiếu đi một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng, sẽ khó có thể kiểm soát được chất lượng, tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo tính bền vững cho các công trình nhà ở xã hội.
“Với vai trò là đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ Xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng luôn xác định nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các giải pháp công nghệ tiên tiến, vật liệu mới, thân thiện với môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu. Viện sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đối tác để nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các mô hình nhà ở bền vững, góp phần vào sự phát triển của ngành xây dựng” – Viện trưởng Nguyễn Hồng Hải bày tỏ.
PV