Thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp
Nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy hợp tác và liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam”. Chương trình diễn ra ngày 29/8/2024, với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC).
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chia sẻ tại diễn đàn, hầu hết các đại biểu đều cho rằng việc xây dựng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hiện nay đang là xu thế tất yếu và thực trạng phát triển chuỗi giá trị ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam.
Đề cập đến hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – Tiền tệ Quốc gia đề xuất cần hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới như cơ chế sanbox cho fintech, cho vay ngang hàng, cơ chế chia sẻ dữ liệu. Hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu dự báo về thị trường, giá cả nông sản nhằm giúp nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp có định hướng trong sản xuất và kinh doanh.
Ngoài ra, tiếp tục phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh hơn nữa thị trường vốn cho nông sản, trong đó tập trung vào trái phiếu của doanh nghiệp nông nghiệp. Đối với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cần tháo gỡ hàng rào thuế quan, thẻ vàng EU, giúp nông sản Việt Nam tiếp cận gần hơn nữa với các thị trường lớn trên thế giới. Cần tổng kết đánh giá và có phương án tiếp theo đối với bảo hiểm nông nghiệp.
Về thị trường, cơ quan nhà nước cần có chiến lược tiếp thị và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, tập trung xây dựng thương hiệu, tận dụng FTA thế hệ mới; UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trên đất, đặc biệt là tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi…
Về phía các nhà cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng (SCF) cần thiết kế sản phẩm phù hợp, linh hoạt hơn về tài sản thế chấp; Các ngân hàng thương mại lớn, có lợi thế về nguồn lực và tập khách hàng có thể xây dựng nền tảng kết nối các thành viên trong chuỗi cung ứng; Chủ động tìm kiếm, làm việc với những tổ chức quốc tế để có nguồn vốn ưu đãi dành cho tài trợ chuỗi cung ứng…
Về phía các doanh nghiệp nông nghiệp, cần chủ động tìm hiểu về các giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng và các lợi ích của từng giải pháp để có phương án tiếp cận phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải tăng cường minh bạch hóa thông tin để có thể tiếp cận các sản phẩm SCF nói riêng và dịch vụ tài chính nói chung. Đồng thời, cũng cần chủ động nghiên cứu để chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, phát triển bền vững qua đó có thể tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước cho lĩnh vực này.
Theo ông Ngô Sỹ Đạt – Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, trong các giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản không thể thiếu vai trò nòng cốt của các HTX nông nghiệp. HTX nông nghiệp có mạng lưới rộng khắp cả nước, vừa trực tiếp sản xuất, vừa đại diện cho các thành viên đàm phán với doanh nghiệp (đầu ra, đầu vào) giúp nâng cao vị thế của người nông dân trên thị trường. Đồng thời cũng là đầu mối tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, chính sách của Nhà nước và các nguồn khuyến nông, công trình hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, bảo hiểm cho nông dân, hỗ trợ vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số.
Để khuyến khích HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị, ông Ngô Sỹ Đạt đề xuất, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã, tiếp tục hỗ trợ chương trình khởi nghiệp hợp tác xã; tiếp cận vay vốn tín dụng… Cần có chính sách ưu đãi cao hơn nữa so với hiện nay để khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX, hình thành mô hình liên kết Doanh nghiệp-HTX-Nông dân.
Về phía các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX nông nghiệp cần chủ động chuyển hướng sang nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng nông sản xanh của thị trường trong và ngoài nước.
Lê Quân