Thu thuế tài sản số: Cần lộ trình minh bạch, chính sách hài hòa

Theo chuyên gia, để chính sách thuế tài sản số phát huy hiệu quả mà không làm chùn bước nhà đầu tư, cần một lộ trình rõ ràng, hài hòa giữa yêu cầu quản lý và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tại Việt Nam, những năm đây, hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số, tiền số đã trở nên rất phổ biến. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người sở hữu tiền số thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Theo Chainalysis – Công ty phân tích blockchain của Mỹ, dòng tiền từ tài sản mã hóa vào Việt Nam giai đoạn 2022-2024 ước tính hơn 100 tỉ USD. Còn theo số liệu của Triple A, tổ chức thanh toán tiền mã hóa được Cơ quan Tiền tệ Singapore cấp phép, khoảng 17 triệu người Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa – chiếm 17% dân số, xếp thứ 5 toàn cầu.

Thu thuế tài sản số: Cần lộ trình minh bạch, chính sách hài hòa
Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch tài sản số, tài sản mã hóa – Ảnh: ITN

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài sản số đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, vừa đảm bảo quản lý hiệu quả, vừa tạo động lực phát triển cho lĩnh vực này. Luật Công nghiệp công nghệ số (được Quốc hội thông qua vào tháng 6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026) được đánh giá là cột mốc quan trọng, khi lần đầu công nhận tài sản số là một loại tài sản hợp pháp theo pháp luật dân sự. Đây cũng là cơ sở để cơ quan thuế áp dụng các chính sách thuế tương ứng.

Theo đó, tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất đưa thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số (gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) vào diện chịu thuế. Theo đề xuất, mức thuế suất áp dụng sẽ là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng mỗi lần giao dịch, tương tự quy định với chứng khoán.

Xoay quanh đề xuất này, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đánh giá, chính sách thuế là một phần quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng, không chỉ giúp Nhà nước tăng thu ngân sách mà còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Dẫn số liệu ước tính, ông Trung cho rằng, nếu áp dụng mức thuế suất 0,1% như đề xuất, Việt Nam có thể thu về hơn 800 triệu USD mỗi năm từ các giao dịch tài sản số.

“Tuy nhiên, chính sách thuế cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm hợp lý, có thể thu hút nhà đầu tư tham gia vào thị trường sôi động này”, ông Trung góp ý.

Đồng quan điểm, TS Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, việc Bộ Tài chính chủ động xây dựng chính sách thuế với tài sản số là hướng đi tích cực, phù hợp xu thế toàn cầu. Tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Úc, tài sản mã hóa chịu thuế thu nhập và thuế thặng dư vốn. Trong đó, nhà đầu tư phải đóng thuế thu nhập khi họ nhận được tài sản mã hóa cho các hoạt động như nhận lương bằng tài sản mã hóa, đào tiền mã hóa và các hình thức khóa tài sản mã hóa để nhận thưởng (staking).

Đối với thuế trên thặng dư vốn (capital gains tax), nhà đầu tư phải trả khoản thuế này nếu họ bán tài sản mã hóa để lấy tiền pháp định, giao dịch hoán đổi các loại tài sản mã hóa khác nhau hoặc dùng tài sản mã hóa để thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ. Mức thuế phải trả tùy thuộc vào việc nhà đầu tư nắm giữ các loại tài sản mã hóa dài hạn hay ngắn hạn, trong đó, mức thuế cho việc nắm giữ ngắn hạn cao hơn đáng kể.

Thu thuế tài sản số: Cần lộ trình minh bạch, chính sách hài hòa
Để chính sách thuế tài sản số phát huy hiệu quả, cần một lộ trình rõ ràng, hài hòa giữa yêu cầu quản lý và thúc đẩy đổi mới sáng tạo – Ảnh: ITN

Chuyên gia này nhận định, mức thuế 0,1% hiện nay là hợp lý trong ngắn hạn vì dễ triển khai, không yêu cầu định giá phức tạp và có thể tích hợp với hệ thống giao dịch số hóa. Tuy nhiên, về dài hạn, cần có sự phân loại chi tiết theo từng nhóm tài sản số (token tiện ích, NFT, coin đầu tư…) và theo bản chất thu nhập (đầu tư, đầu cơ, thụ động) để có chính sách thuế phù hợp, tránh méo mó hành vi thị trường.

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, để cân bằng giữa mục tiêu tăng thu ngân sách và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường tài sản số, Bộ Tài chính cần xây dựng lộ trình cụ thể cho việc hoàn thiện Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với loại hình tài sản này. Trước mắt, nên áp dụng mức thuế suất thấp, cơ chế tính thuế đơn giản, gắn với điều kiện giao dịch minh bạch, có kiểm soát. Đồng thời, cần từng bước phát triển hạ tầng quản lý như hệ thống định danh tài sản, theo dõi dòng tiền và chuẩn hóa cơ chế báo cáo. Đây sẽ là nền tảng để tiến tới áp dụng các sắc thuế phức tạp hơn như thuế thặng dư vốn (capital gains tax), tương tự mô hình tại nhiều quốc gia phát triển.

Bên cạnh đó, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trong nước cũng là yếu tố then chốt nhằm tránh thất thu thuế và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào sự minh bạch, ổn định của thị trường tài sản số tại Việt Nam.

Yến Nhung – Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button