Thu hút FDI khởi sắc, vốn giải ngân lập kỷ lục

Bất chấp những bất định của kinh tế toàn cầu, năm 2023 thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn giữ vững, đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.

36,61 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh.

Thu hút FDI khởi sắc, vốn giải ngân lập kỷ lục

Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần trong năm 2023 chỉ đạt 3.451 lượt, giảm 3,2% so với cùng kỳ, nhưng vốn góp lại tăng cao.

Năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ. 

Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần).

Nguồn vốn FDI tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…), như TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai,… Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.

Xét về đối tác, trong năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.

Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,8%). 

Đặc biệt, một trong những điểm sáng của đầu tư FDI năm nay là không chỉ tăng về số lượng, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ đã cho thấy sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất – kinh doanh, và tiếp tục đầu tư.

Kỳ vọng mới năm 2024

Việt Nam là nước có nhiều triển vọng và lợi thế trong cạnh tranh thu hút FDI với những yếu tố nền tảng như: Sự ổn định chính trị, vị trí địa lí và cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có mức tăng trưởng cao; có quy mô dân số tăng nhanh và đội ngũ nhân lực đang được cải thiện về chất lượng. Ngành sản xuất ở Việt Nam tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, môi trường kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng được cải thiện.

Theo dự báo của giới chuyên gia, bước vào năm 2024 Việt Nam có thể tiếp tục khẳng định là một trong những lựa chọn hấp dẫn nhất trong khu vực cho chiến lược “Trung Quốc +1”. Hơn nữa, dòng vốn FDI mới vào lĩnh vực sản xuất có sự đột phá trong năm 2023 tiếp tục mang lại hy vọng cho Việt Nam.

Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý III/2023 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tăng lên 45,1 điểm so mức ở quý II/2023 là 43,5 điểm, cho thấy tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có chuyển biến tích cực. Về triển vọng đầu tư FDI, sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ với 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu.

Kết quả khảo sát AHK World Business Outlook – Mùa Thu 2023 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) công bố cũng cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp Đức. Xu hướng các doanh nghiệp Đức đang triển khai chiến lược “Trung Quốc +1” (China plus one) tập trung vào các dự án đầu tư xanh. Và thị trường Việt Nam đã sẵn sàng chào đón và hỗ trợ những dự án kinh doanh như vậy bằng cách cung cấp nền tảng cho sự tăng trưởng, đa dạng hóa và thực hiện các hoạt động kinh doanh bền vững.

Đặc biệt, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ ngày 10 – 11/9/2023, triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam nhận được nhiều xung lực mới mạnh mẽ, tích cực. Nhiều đoàn doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đưa ra thông điệp đáng tin cậy về xu hướng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam như: Tập đoàn General Electric (GE), hãng Intel, Nike Exxon Mobile, Amazon, Cocacola, Google, Visa…

Để khai thác các cơ hội mới và hiện thực hóa các kỳ vọng thu hút FDI, thời gian tới, bên cạnh yêu cầu bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị thế và năng lực cạnh tranh môi trường kinh doanh, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách thu hút và sử dụng FDI, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế – xã hội. Phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cải thiện môi trường kinh doanh phù hợp với yêu cầu và tạo thuận lợi cho cho các tập đoàn lớn có thể đầu tư lâu dài vào các lĩnh vực ưu tiên, nhằm hướng mạnh FDI vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia lớn. 

Bên cạnh đó, cần hình thành hệ sinh thái hỗ trợ thực chất chuỗi các nhà cung ứng nội địa nâng cao năng lực quản trị hiện đại. Điều này không chỉ tăng tính liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, mà còn góp phần đạt mục tiêu chiến lược thu hút FDI của Chính phủ: Phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại và kỹ năng quản trị tiên tiến quốc tế.

Vốn FDI đăng ký mới tăng mạnh tiếp tục cho thấy Việt Nam là một điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Thu Hà (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button