Thu hút đầu tư xanh cho tương lai bền vững
Cần Thơ mong thu hút các nhà đầu tư vào KCN VSIP Vĩnh Thạnh theo hướng xanh, sạch, phát triển bền vững. Đây cũng chính là định hướng thu hút đầu tư thời gian tới nhằm xây dựng, phát triển thành phố thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo tinh thần Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Thanh Tâm – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Cần Thơ.
Ông có thể cho biết những dấu ấn nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) của TP.Cần Thơ trong 2 thập niên qua?
Trong 20 năm qua, Cần Thơ đã tạo được những dấu ấn đáng tự hào trong thu hút đầu tư và phát triển DN. Thủ phủ vùng đất Chín Rồng trở thành nơi hội tụ của nhiều dự án lớn trong nước như: Tổ hợp Khách sạn 5 sao Mường Thanh Cần Thơ của DN tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên; Vincom Center Cần Thơ của tập đoàn Vingroup; nhà máy nhiệt điện Ô Môn III của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Nhà máy nhiệt điện Ô Môn IV của Tập đoàn Điện lực Việt Nam;… Ngoài ra còn có dự án Bệnh viện tim mạch đột quỵ Cần Thơ của Công ty TNHH Đầu tư Y tế Việt Cường với tổng vốn đầu tư đăng ký 400 tỷ đồng; Tổ hợp Đại học FPT và công viên phần mềm FPT của Công ty Cổ phần FPT, hiện nay đã đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động Phân hiệu Trường Đại học FPT tại Cần Thơ với quy mô 5,175ha, tổng vốn đã đầu tư 400 tỷ đồng.
Cần Thơ cũng là điểm đến của nhiều dự án FDI, nổi bật như: Trung tâm thương mại tổng hợp Lotte Cần Thơ với tổng vốn đầu tư ban đầu 31 triệu USD (sau tăng lên 63 triệu USD); khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1) của nhà đầu tư Singapore, vốn đầu tư đăng ký 160 triệu USD ; Nhà máy sản xuất giày thể thao (100% Hàn Quốc) vốn đầu tư đăng ký 172 triệu USD,… Đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II của liên doanh nhà đầu tư Việt Nam – Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD,… góp phần nâng tổng vốn FDI trên địa bàn lên hơn 2 tỷ USD.
Để có được kết quả trên, Cần Thơ đã tập trung triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định thị trường, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố từ năm 2006 đến nay qua 16 kỳ công bố có vị trí thấp nhất là 22/63 và cao nhất là 09/63 tỉnh, thành phố.
Quá trình phát triển DN cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2004 – 2023, ước cấp mới đăng ký DN 22.445 DN các loại hình với tổng vốn đăng ký 153.012 tỷ đồng. Năm 2023, ước cấp mới đăng ký DN 1.750 DN các loại hình với tổng vốn đăng ký 12.500 tỷ đồng, gấp 4,7 lần về số lượng và gần gấp đôi về số vốn đăng ký so với năm 2004; nâng tổng số DN đang hoạt động lên khoảng 10.800 DN và hơn 2.000 chi nhánh, văn phòng đại diện.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đoàn công tác thị sát công trình Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ
Từ các tiềm năng, lợi thế đã định hình rõ nét sau khi Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Cần Thơ sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nào; quy mô và chất lượng dự án ra sao, thưa ông?
Căn cứ Dự thảo Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050, định hướng thu hút đầu tư của Cần Thơ trong thời gian tới gồm:
Lĩnh vực công nghiệp: Chuyển hướng sang các dự án nâng cao năng suất, chất lượng, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường, mang hàm lượng tri thức cao. Ưu tiên thu hút các dự án trong các lĩnh vực trọng điểm như: Chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, dược phẩm, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử; các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, sử dụng ít nhân lực và tài nguyên.
Lĩnh vực thương mại – dịch vụ: Tập trung đầu tư vào các ngành dịch vụ trọng điểm như: Thương mại, dịch vụ logistics, du lịch MICE và du lịch sinh thái. Ưu tiên thu hút các dự án có quy mô lớn, hiện đại, có sức lan tỏa lớn đến các ngành, lĩnh vực khác. Đặc biệt cần quan tâm đến các dự án về logistics như hệ thống kho lạnh, hệ thống phân phối, trung tâm logistics, cảng biển để giải quyết nút thắt quan trọng của Cần Thơ cũng như ĐBSCL.
Lĩnh vực nông – lâm – thủy sản: Ưu tiên các dự án liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao trong nông nghiệp (kỹ thuật sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Bảo quản sau thu hoạch), giúp tăng sản lượng và hạn chế sự tác động đến môi trường.
Lĩnh vực đô thị và nhà ở: Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại các quận trung tâm bên cạnh Ninh Kiều, gồm Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng.
Về đối tác ưu tiên đầu tư: Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư FDI có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Các đối tác thành phố tập trung xúc tiến hợp tác đầu tư như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hoa Kỳ và châu Âu. Thành phố cũng khuyến khích các DN lớn trong nước, có uy tín, chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất dự án. Ngoài ra, khuyến khích các DN tại Cần Thơ đầu tư vào các dự án theo định hướng của thành phố, chủ động liên kết với các DN nước ngoài để nâng cao năng lực và tính cạnh tranh.
Cần Thơ được biết đến là địa phương đi đầu và chú trọng định hướng thu hút đầu tư xanh. Ông có thể cho biết rõ hơn điều này? Việc hiện thực hóa chiến lược đầu tư xanh của thành phố giai đoạn hiện nay?
Để hiện thực hóa chiến lược đầu tư xanh giai đoạn hiện nay, TP.Cần Thơ quan tâm chú trọng các vấn đề như:
Thu hút đầu tư có chọn lọc, bảo vệ môi trường luôn được xem xét hàng đầu, là tiêu chí quan trọng trong lựa chọn nhà đầu tư. Tập trung thu hút các dự án nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên, năng lượng, thân thiện môi trường, mang hàm lượng tri thức cao, tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà tác động xấu đến môi trường, xã hội.
Quan tâm việc ảnh hưởng của triển khai dự án đến đời sống người dân, tìm kiếm phương pháp khắc phục các khó khăn; thực hiện tốt, đúng các quy định về giải phóng mặt bằng tái định cư, đảm bảo cuộc sống của người dân.
Đẩy mạnh, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án mang tính chất vùng, giữ vai trò động lực, là đòn bẩy để phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó thu hút các luồng đầu tư không chỉ vào Cần Thơ mà còn cả các vùng lân cận.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và nhu cầu phát triển của từng khu vực, quận, huyện. Ưu tiên phát triển các lĩnh vực du lịch sinh thái kết hợp với nông nghiệp công nghệ cao vừa tận dụng lợi thế của địa phương vừa bảo vệ môi trường, góp phần phát triển các ngành dịch vụ khác.
Tập trung rà soát, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng; kêu gọi đầu tư từ các nguồn xã hội hoá, đặc biệt là các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, các dự án có tính chất kết nối, liên kết vùng.
Những năm gần đây, Cần Thơ đã triển khai nhiều kế hoạch, đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), thúc đẩy ươm mầm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ông cho biết rõ hơn về vấn đề này và việc tháo gỡ nút thắt để các đề án, kế hoạch phát huy hiệu quả hơn?
Thời gian qua, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo (startup) diễn ra sôi động. Hàng năm, có hơn 100 DN khởi nghiệp sáng tạo đăng ký hoạt động, trong đó có nhiều DNNVV bước đầu thành công. Cùng với sự bùng nổ về số lượng, DNNVV đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, tích cực phối hợp các sở, ngành có liên quan tham mưu Thành ủy ban hành Chương trình số 24-CTr/TU ngày 31/12/2021 về hỗ trợ DNNVV, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài năng trẻ giai đoạn 2021 – 2030; tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 05/4/2022 thực hiện Chương trình số 24-CTr/TU của Thành ủy Cần Thơ. Trong đó xác định các nội dung hỗ trợ cụ thể như: Tiếp cận tài chính, hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng tại các KCN, dịch vụ kế toán, liên kết ngành và chuỗi giá trị, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,… Thành phố cũng ban hành Chương trình Hỗ trợ DNNVV tham gia chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trên địa bàn TP.Cần Thơ đến năm 2024.
Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu Thành uỷ, UBND thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển DNNVV trong bối cảnh mới. Nổi bật như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho DN; thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ trong cải cách TTHC, cắt giảm các thủ tục đăng ký DN cùng với các “chi phí không chính thức”.
Cùng với đó, phát huy vai trò của xã hội, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội đối với sự phát triển của DNNVV,…
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Trang (Vietnam Business Forum)