Thời điểm bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc
Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong tuần này, được kỳ vọng sẽ hoạch định những chính sách lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra từ thứ 2 đến thứ 5 tuần này. Hội nghị này sẽ quy tụ tất cả các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước để hoạch định những chính sách lớn cho nền kinh tế số 2 toàn cầu.
Lịch sử của Hội nghị này có truyền thống tập trung vào chính sách kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình vào năm 1978, hội nghị lần thứ nhất đã chính thức báo trước những thay đổi quan trọng đối với tương lai đất nước, chẳng hạn như “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc.
Thông báo chính thức của Bắc Kinh về Hội nghị lần thứ ba cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về “cải cách sâu sắc toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc”, với mục tiêu tối thượng là xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tiêu chuẩn cao vào năm 2035.
Nhiều chuyên gia quốc tế có chung nhận định: Thách thức chính mà Bắc Kinh phải đối mặt là tìm ra một hệ thống tài chính thay thế, vì hệ thống hiện tại phụ thuộc nhiều vào việc buôn bán nhà đất và đang chịu áp lực nặng nề do thị trường bất động sản không thể phục hồi về trạng thái tốt nhất.
Kinh tế Trung Quốc đã bước sang năm giảm phát thứ 3. Nguyên nhân chính là do khủng hoảng bất động sản, lĩnh vực đóng góp hơn 1/3 GDP Trung Quốc. Mất thanh khoản nghiêm trọng trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã và đang gây ra “núi nợ” khổng lồ tại các địa phương, nhiều đại tập đoàn đầu ngành phá sản.
Bất động sản đã chôn vùi lượng vốn khổng lồ, khoảng 6-7 nghìn tỷ USD, gây áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng; hầu hết các địa phương mất cân đối tài chính. Điều đó đã kìm hãm chính phủ triển khai các dự án lớn cho tương lai.
Theo ông Yao Yang, Giáo sư và Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, quy mô thị trường bất động sản Trung Quốc đã trở nên quá lớn, nó hút hết nguồn tài nguyên quốc gia.
“Để Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ, chúng ta cần phát triển sản xuất và công nghệ. Do đó, chúng ta phải hạn chế ngành tài chính, bao gồm cả bất động sản. Đó là lý do cơ bản cho việc thắt chặt các quy định về bất động sản và tài chính,” Yao nói.
Hội nghị Trung ương lần này sẽ tập trung vào các lĩnh vực khác, chẳng hạn như mức nợ chính quyền địa phương cao và thúc đẩy sản xuất tiên tiến; tập trung vào cải cách tài chính và các chính sách cơ cấu khác. Trong đó, nhiệm vụ cốt lõi là xây dựng “lực lượng sản xuất” mới.
Bất bình đẳng thu nhập ngày càng sâu sắc tại Trung Quốc đang cản trở kế hoạch “thịnh vượng chung”, cho dù giới chức cấp cao nước này đã “uốn nắn” lại khu vực kinh tế tư nhân – họ bắt buộc các tập đoàn tư nhân, tỷ phú như Jack Ma, Ma Huateng, Zhang Yiming, Colin Huang,… phải thực hiện “trách nhiệm chính trị” cao hơn.
Top 10 tỷ phú giàu nhất Trung Quốc nắm gần 350 tỷ USD, nhóm 100 tỷ phú đứng đầu trong danh sách 814 tỷ phú đô la của Trung Quốc đã sở hữu hầu hết tài sản trong xã hội. Và phần còn lại lên đến 1,4 tỷ người, có thu nhập bình quân 12,5 nghìn USD/năm.
Tờ SCMP cho hay, Trung Quốc được cho là có kế hoạch giới hạn mức lương hàng năm của ngành tài chính khoảng 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 413.350 USD) – mức trần sẽ áp dụng hồi tố và yêu cầu người lao động trả lại thu nhập vượt mức cho công ty của họ.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp