Thị trường vàng lại đang bất ổn?

“Các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực, song thị trường vàng vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chưa thông suốt…”.

Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh về công tác quản lý về thị trường vàng hiện nay. Xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia cũng cảnh báo, sự đóng băng thị trường vàng dẫn tới tình trạng vàng hai giá như hiện nay, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và gây rủi ro cho thị trường.

Thị trường vàng lại đang bất ổn?
Câu chuyện về thị trường vàng những ngày qua tiếp tục nóng trở lại

Theo đó, câu chuyện về thị trường vàng những ngày qua tiếp tục nóng trở lại và là tâm điểm dư luận. Cụ thể, nhiều người dân phản ánh gần như không thể mua vàng miếng từ các ngân hàng và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC), vì liên tục đăng ký không thành công, dù “canh” rất đúng giờ.

Một số ý kiến được gửi tới cơ quan chức năng hỏi về giải pháp để người dân có thể tiếp cận việc mua vàng miếng dễ dàng hơn, bởi việc khó tiếp cận từ nguồn chính thống, người dân sẽ phải chấp nhận mua trực tuyến qua các kênh không chính thống và đang có dịch vụ đăng ký hộ với nhiều rủi ro cũng như tốn chi phí không đáng có.

Bình luận về nội dung này, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng xuất hiện tình trạng khó mua, khó bán có thể làm giảm lòng tin của người dân vào loại vàng này. Hơn nữa, việc mua đâu, bán đó trên thị trường vàng hiện nay gây ra tình trạng méo mó, không tạo ra uy tín của sản phẩm. Chưa kể, việc người dân không mua, bán được vàng trên thị trường chính thức sẽ tìm đến các kênh không chính thức hoặc chấp nhận mua, bán vàng với giá chênh lệch cao.

Cần phải nhắc lại rằng, biện pháp bán vàng can thiệp thị trường của NHNN là giải pháp tình thế. Quan trọng nhất để tăng nguồn cung là cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng, Nhà nước kiểm soát bằng thuế.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng bán vàng thì cũng nên mua lại vàng đã bán ra, kể cả mua lại vàng của các đơn vị khác bán ra. Đồng thời, việc kiểm soát độc quyền vàng miếng SJC đã quá lâu và cần sớm gỡ bỏ. Để làm được điều này cần sửa đổi sớm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Trước mắt cho phép một số đơn vị được nhập khẩu vàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiến xa hơn là đảm bảo thị trường trong và ngoài nước liên thông, đảm bảo sự minh bạch, quyền lợi của người tiêu dùng.

Vị chuyên gia đề xuất, NHNN cần giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng. Đi kèm với các áp đặt cho mỗi nhà kinh doanh vàng, NHNN vẫn sẽ kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng. “Việc này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định hơn”, vị chuyên gia nhận định.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, một giải pháp quan trọng khác là sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, các chuyên gia đều kiến nghị không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng.

“Phương thức quản lý phải khác, dùng các công cụ điều tiết như thuế, kiểm soát thông tin, phải xem lại việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, sử dụng công cụ thuế để điều tiết… Từ bỏ dần phụ thuộc phương thức quản lý hành chính”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button