Thị trường chứng khoán phân hóa mạnh trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I

Mùa báo cáo tài chính quý I/2025 hé lộ sự phân hóa mạnh giữa các ngành, phản ánh những cơ hội và thách thức đang đan xen trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.

Tính đến ngày 25/4/2025, hơn 500 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã công bố kết quả kinh doanh (KQKD) quý I.

Thị trường chứng khoán phân hóa mạnh trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I
Mùa báo cáo tài chính quý I/2025 đã phản ánh một bức tranh phân hóa rõ nét trên thị trường chứng khoán

Mùa báo cáo tài chính năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi quý đầu tiên của năm kết thúc ngay trước thời điểm Mỹ chính thức áp thuế đối ứng mới. Điều này khiến cho triển vọng các ngành nghề có sự xáo trộn mạnh, đòi hỏi nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng không chỉ kết quả đã ghi nhận, mà còn cả tác động tiềm ẩn từ các chính sách thương mại mới.

Theo ông Phan Lê Thành Long và ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia tài chính tại AFA Capital đánh giá kết quả kinh doanh (KQKD) quý I chưa phản ánh các tác động của thuế mới và cảnh báo rằng nhà đầu tư cần thận trọng, chuyển từ góc nhìn số liệu quá khứ sang chiến lược chọn lọc kỹ lưỡng và chuẩn bị cho những thay đổi ở các quý tiếp theo. Các chuyên gia cũng đã đi sâu vào phân tích từng nhóm ngành trọng yếu, để nhận diện những cơ hội và thách thức đang hình thành rõ nét hơn trên thị trường.

Thứ nhất, ngành ngân hàng là nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index và VN30, nhưng đến cuối tháng 4 chỉ một số nhà băng lớn như Techcombank (TCB), VPBank (VPB), ACB, LienVietPostBank (LPB) và SeABank (SSB) đã công bố kết quả.

Dữ liệu cho thấy không phải ngân hàng nào cũng ghi nhận kết quả khả quan. Lợi nhuận sau thuế của TCB giảm 4,39% so với cùng kỳ do hiệu ứng nền cao từ năm trước, trong khi ACB giảm 5,82%. Ngược lại, VPBank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 9,2% nhờ mảng tín dụng tiêu dùng phục hồi sau một thời gian đầy khó khăn.

Dù có sự khác biệt trong tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch năm của các ngân hàng lớn nhìn chung dao động từ 20 – 30%. Một số ngân hàng nhỏ đạt mức hoàn thành nhưng vốn hóa còn thấp, ảnh hưởng hạn chế đến chỉ số chung.

Nhóm chuyên gia nhận xét quý I thường là quý kinh doanh tốt nhất của ngành ngân hàng, tuy nhiên với môi trường lãi suất biến động và nhu cầu tín dụng chậm lại, áp lực điều chỉnh từ quý II trở đi là không thể xem nhẹ.

Thứ hai, ngành chứng khoán ghi nhận KQKD quý I tương đối tốt, song có sự phân hóa mạnh giữa các doanh nghiệp. Với việc chỉ số VN-Index đạt 1.340 điểm vào cuối tháng 3, các công ty môi giới và tự doanh đã có cơ hội gia tăng doanh thu.

Trong khi CTCK Vietcap (VCI) ghi nhận doanh thu tăng 5,53% và lợi nhuận sau thuế tăng 49%, đạt 25,96% kế hoạch năm; Ngược lại, VNDirect (VND) giảm doanh thu 9,16% và lợi nhuận giảm mạnh 38%, còn HSC tăng doanh thu 15% nhưng lợi nhuận lại giảm 18%.

“Cuộc đua tăng vốn trong ngành cũng đang diễn ra sôi động, tạo lợi thế cho những công ty có nền tảng tài chính vững chắc trong việc đón dòng vốn ngoại khi thị trường kỳ vọng nâng hạng. Nhưng nếu thị trường điều chỉnh sâu trong quý II, lợi nhuận ngành chứng khoán có thể chịu ảnh hưởng đáng kể, nhất là khi hệ thống giao dịch mới KRX dù kỳ vọng sẽ vận hành từ tháng 5 nhưng vẫn còn nhiều bất ổn”, các chuyên gia cảnh báo.

Thị trường chứng khoán phân hóa mạnh trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I
Nhà đầu tư cần thận trọng, phân tích sâu từng doanh nghiệp thay vì nhìn bức tranh ngành một cách tổng thể

Thứ ba, ngành thép vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bức tranh tài chính quý I, khi các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát (HPG) chưa công bố báo cáo chính thức. Theo dự kiến, HPG sẽ ghi nhận lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng trong quý I, đạt chưa đến 25% kế hoạch năm.

Nhiều doanh nghiệp thép nhỏ đã công bố kết quả không khả quan, chủ yếu ghi nhận lỗ. Ngành thép hiện chịu áp lực kép từ nhu cầu toàn cầu suy giảm và các rào cản thương mại gia tăng. Dù kỳ vọng vào làn sóng đầu tư công trong nước với các dự án đường sắt, cao tốc, hạ tầng có thể hỗ trợ nhu cầu thép xây dựng, nhưng áp lực quốc tế và sự suy giảm xuất khẩu vẫn là những yếu tố chi phối mạnh trong trung hạn.

Thứ tư, ngành bất động sản khu công nghiệp với quý I/2025 tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan từ bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC) đạt doanh thu hoàn thành 44,5% kế hoạch năm và lợi nhuận tăng trưởng 94%. CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) có doanh thu tăng 136%, dù lợi nhuận chỉ tăng nhẹ 5,8%.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân tích riêng từng doanh nghiệp thay vì đánh giá chung toàn ngành, bởi những doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất từ trước sẽ có khả năng duy trì kết quả tích cực trong ngắn hạn.

Thứ năm, ngành bất động sản dân cư sự phục hồi vẫn chậm chạp. Dù một số doanh nghiệp như Nam Long (LNG) có doanh thu tăng trưởng gấp 5 lần, phần lớn các công ty như Nhà Từ Liêm (NTL) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.

Vinhomes (VHM) doanh nghiệp chiếm tới 70-80% lợi nhuận toàn ngành vẫn chưa công bố kết quả, nên bức tranh tổng thể chưa hoàn thiện. Đặc biệt, sự phục hồi bất động sản dân cư sẽ phân hóa mạnh, các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính vững mạnh sẽ chiếm ưu thế.

Thứ sáu, ngành công nghệ tăng trưởng ổn định nhưng thách thức gia tăng. Trong đó, FPT là doanh nghiệp công nghệ lớn duy nhất đã công bố báo cáo quý I, với doanh thu tăng trưởng 13,94% và lợi nhuận tăng 20,9%, đạt 20,29% kế hoạch năm.

Tuy vậy, Chủ tịch FPT thừa nhận năm 2025 sẽ là một năm khó khăn, do sự thắt chặt chi tiêu công nghệ toàn cầu và giai đoạn đầu tư dài hạn vào AI chưa mang lại doanh thu đáng kể. Xu hướng đầu tư vào AI và hạ tầng số, dù mở ra tiềm năng dài hạn nhưng cũng gây áp lực lớn lên lợi nhuận ngắn hạn.

Thứ bảy, ngành xuất khẩu, đặc biệt là dệt may và thủy sản, có kết quả quý I khá khả quan. TNG ghi nhận doanh thu tăng 11,59% và lợi nhuận tăng 3,44%. Trong khi đó, Navico (ANV) bứt phá mạnh mẽ với lợi nhuận tăng tới 681% nhờ thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, với việc Mỹ đã áp mức thuế tạm thời 10% lên cá tra Việt Nam và nguy cơ thuế suất tăng cao thì ngành thủy sản đối mặt với rủi ro lớn. Doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ nhiều sẽ chịu tác động nặng nề, trong khi những đơn vị linh hoạt chuyển hướng sang EU, Nhật Bản hoặc Trung Quốc sẽ có lợi thế.

Có thể thấy mùa báo cáo tài chính quý I/2025 đã phản ánh một bức tranh phân hóa rõ nét trên thị trường chứng khoán. Một số ngành như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp có kết quả tốt trong ngắn hạn, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng, phân tích sâu từng doanh nghiệp thay vì nhìn bức tranh ngành một cách tổng thể. Trong bối cảnh biến động chính sách toàn cầu và nội tại kinh tế nhiều thách thức, việc chọn lọc cổ phiếu kỹ lưỡng và quản trị rủi ro hiệu quả sẽ là yếu tố then chốt để đạt được kết quả đầu tư bền vững trong năm 2025.

Diễm Ngọc – Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button