Thêm một nhà sản xuất chất bán dẫn mở rộng tại Việt Nam
Thêm một nhà sản xuất chất bán dẫn mở rộng tại Việt NamViệt Nam tiếp tục cho thấy sức hút của mình trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn với khoản đầu tư mới nhất lên tới 1 tỷ USD từ Hana Micron của Hàn Quốc.
Hana Micron, công ty bán dẫn chuyên về lắp ráp và đóng gói sản phẩm cũng như các dịch vụ kiểm tra và sản xuất mô-đun của Hàn Quốc là nhà đầu tư mới nhất vào Việt Nam. Công ty dự kiến đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2025. Trước đó, công ty Hàn Quốc này cũng đã khánh thành nhà máy bán dẫn đầu tiên vào tháng trước tại tỉnh Bắc Giang.
Dự án mới này được thiết kế tại Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang, là dự án đầu tiên thuộc loại hình này ở miền Bắc Việt Nam. Đây cũng là nhà máy thứ 2 của Hana Micron Vina, công ty con của tập đoàn Hàn Quốc, tại các tỉnh phía Bắc. Cơ sở đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 2022, sản xuất bảng mạch tích hợp cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác.
Ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Hana Micron, cho biết Hana Micron Vina sẽ là cơ sở sản xuất số một của tập đoàn trên thế giới và nhân lực Việt Nam sẽ chiếm 70% tổng lực lượng lao động của tập đoàn.
Ông cũng cho biết thêm tập đoàn sẽ tăng đầu tư vào tỉnh từ 600 triệu USD hiện tại lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025, tạo ra doanh thu hàng năm là 800 triệu USD và tạo 4.000 việc làm cho lao động Việt Nam.
Sức hút của Việt Nam
Có thể nói, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chất bán dẫn toàn cầu. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng nhận định rằng Việt Nam có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip hàng đầu của thế giới, nhất là khi nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã công bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước.
Theo một con số thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, điện thoại và linh kiện điện tử được ghi nhận là kim ngạch xuất khẩu nổi bật nhất của Việt Nam, đạt gần 40 tỷ USD. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử. Nhiều công ty hàng đầu đều đưa ra những cam kết đầu tư mở rộng.
Intel, gã khổng lồ chip của Mỹ đang cân nhắc khoản đầu tư bổ sung trị giá 1,31 tỷ USD vào Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở này là cơ sở sản xuất quan trọng nhất của Intel, đóng góp tới 70% sản lượng toàn cầu của công ty. Điều này khiến cho thông tin công ty mở rộng quy mô tại Malaysia cũng không có nhiều trở ngại.
Ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch Công ty Intel Products Việt Nam đã từng phát biểu: “Ba yếu tố chính để chúng tôi sản xuất tại Việt Nam là môi trường chính trị – xã hội rất ổn định, Chính phủ không ngừng mở rộng các hiệp định thương mại tự do và lực lượng lao động dồi dào”.
Ngoài Intel, nhiều tập đoàn điện tử nổi tiếng khác như Samsung, LG, Apple đều có nhà máy, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Samsung mới đây đã công bố kế hoạch sản xuất chất bán dẫn từ tháng 7 năm sau với khoản đầu tư bổ sung là 920 triệu USD.
Có thể thấy, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, khi Mỹ vừa ban hành Đạo luật CHIP trị giá 52 tỷ USD để hỗ trợ ngành sản xuất chip nước này thì các nước trong chuỗi cung ứng như Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để tham gia và phát triển.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm từ các công ty bán dẫn toàn cầu trong bối cảnh có sự ổn định cao về chính trị, cùng với một nguồn nhân lực dồi dào và đặc biệt là dễ dàng tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ cao châu Á. Điều chúng ta cần làm ở thời điểm hiện tại là việc tiếp cận được các thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiến tới tự chủ hoàn toàn các công đoạn thiết yếu trong quy trình sản xuất chất bán dẫn, để mở ra trang mới cho ngành công nghệ hỗ trợ của Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài những tín hiệu đáng mừng từ khoản đầu tư tỷ đô của các công ty toàn cầu vào lĩnh vực chất bán dẫn, vẫn còn đó một số thách thức đáng kể. Sự thiếu hụt lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư cùng với việc các doanh nghiệp phụ trợ trong nước sức cạnh tranh còn yếu, đang tạo ra những thách thức đáng kể cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.