Thế giới chọn Việt Nam!
Sau 25 năm hiện thực hoá ước mơ xuất khẩu phần mềm và đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm thứ 2 thế giới.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, Chủ tịch Uỷ ban Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam:
Việt Nam đang đứng trước cơ hội để tiếp tục hiện thực hoá một ước mơ lớn. Đó là công nghiệp bán dẫn. Chỉ có điều khác, 25 năm trước, doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam mang khát vọng lớn ra biển lớn, còn ở thời khắc hiện nay, thế giới chọn Việt Nam.
Để không bỏ qua cơ hội lớn này, các doanh nghiệp Việt Nam cần hành động quyết liệt và nhanh hơn nữa. Trong đó, trọng tâm là hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành công nghiệp bán dẫn tuy kén người với yêu cầu là chăm học, chăm làm nhưng tự thân có sức hút lớn, thu nhập tốt.
Đặc biệt, đây lại ngành rất phù hợp với nhân lực trẻ – thế hệ thanh niên Việt Nam. Tiếp xúc và trao đổi với một số doanh nghiệp thiết kế chip trên thế giới, chúng tôi được biết, để một kỹ sư phần mềm chuyển sang thiết kế chip cần 18 tháng đào tạo. Tuy nhiên, khi thiết kế chi tiết đã phân khu rõ ràng, tôi tin là chỉ cần 3 tháng đào tạo, các kỹ sư phần mềm của Việt Nam có thể thực hiện được theo cách chia nhỏ để vừa học vừa làm. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vì thế có thể nhanh chóng chuyển sang thiết kế chip outsourcing.
Với sự phát triển nhanh của AI, chip trong tương lai càng thông minh hơn, phải được tích hợp AI. Tuy nhiên, con đường này các doanh nghiệp Việt Nam đi được. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta đi nhanh hơn? Lời giải cho bài toán này nằm ở việc chúng ta cần tập hợp và phát huy sức mạnh của trí tuệ người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Hiện nay, nhiều tri thức Việt Nam ở các nước trên thế giới – những người đã có nhiều năm kinh nghiệm, đã từng làm ra chip tại Mỹ sẵn sàng hợp tác.
Tôi cho rằng, nhiệm vụ cũng rất quan trọng của Uỷ ban Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong thời gian tới là thành lập phân ban ở các nước để tập hợp nhân sự trí thức người Việt trên toàn cầu vốn khá đông đảo. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài để vừa kết nối hợp tác vừa tập hợp lực lượng toàn cầu giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt tay ngay vào việc.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn