Thanh Mai thiền tự – Chùa cổ núi thiêng
Thanh Mai thiền tự – ngôi chùa cổ núi thiêng, nơi an nghỉ của thiền sư Pháp Loa – một trong ba vị của Thiền Phái Trúc Lâm – Yên Tử.
Trên bản đồ du lịch vùng duyên hải Đông Bắc Bộ, có lẽ Quảng Ninh và Hải Phòng có nhiều điểm lấn át và nổi tiếng, nên dù nằm ở gần Hà Nội hơn, nhưng số du khách đến với Hải Dương chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Truyền thông về du lịch của Hải Dương cần có những quảng bá mạnh mẽ để thu hút phân khúc khách hàng yêu thích tìm hiểu lịch sử, di tích cùng khám phá những vùng đất mang trên mình dấu ấn huyền tích cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Như Thanh Mai thiền tự, ngôi chùa cổ núi thiêng, nơi an nghỉ của thiền sư Pháp Loa – một trong ba vị của Thiền Phái Trúc Lâm – Yên Tử.
Cánh cung Đông Triều có hai dãy núi là Nam Mẫu và Bình Liêu vòng tay bao bọc khu duyên hải Đông Bắc Bộ, lưng quay ra hướng biển Đông thoai thoải, còn mặt phía Tây thì trùng trùng điệp điệp là dãy núi có vị trí trọng yếu như dãy tường thành tự nhiên bảo vệ vùng đất Chí Linh này.
Vùng đất nơi sáu con sông hội tụ nên mới có tên gọi Lục Đầu Giang, là căn cứ quân sự chiến lược của nhà Trần thời ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông, nơi gắn liền với những danh nhân, anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, nhà giáo Chu Văn An.
Phần lớn mọi người hay thăm viếng di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, nơi được xây dựng quy mô, bài bản, nhưng để có trải nghiệm mới thì hãy tới thăm chùa Thanh Mai.
Chạy men theo quốc lộ 18 như chạy song hành cùng núi thoả sức mà ngắm nhìn núi nhấp nhô giữa trời xanh. Lối vào chùa từ quốc lộ chạy xuyên qua vùng thung lũng xanh tươi với những cánh đồng xanh mướt sắp vào mùa thu hoạch. Khung cảnh thật yên bình, khoáng đạt, cảm giác thư thái dễ chịu khác hẳn với ồn ào tấp nập nơi phố phường.
Cung đường chạy qua Bến Tắm, hồ nước trong xanh, gió thổi mát lành “sơn thuỷ hữu tình” không khác gì Đà Lạt. Nơi đây nếu được đầu tư đúng tầm hoàn toàn có thể thành khu nghỉ dưỡng sinh thái, viện dưỡng lão hay một khu đô thị gần gũi với thiên nhiên.
Chạy qua hồ nước trong xanh mát lành từ bến Tắm theo con đường trải nhựa mới tinh quãng ngắn là tới chùa Thanh Mai. Ngôi chùa nằm bên sườn núi Thanh Mai – hay còn có tên Tam Ban. Ngọn núi nối liền địa giới hành chính của ba tỉnh Hải Dương – Bắc Giang – Quảng Ninh. Chùa nằm bên sườn núi giữa khu rừng còn nguyên sơ, quanh chùa còn có cả dấu tích của cuộc khởi nghĩa do anh hùng Đề Thám “hùm thiêng Yên Thế” lãnh đạo, nên cái tên Hoàng Hoa Thám được đặt thành tên địa danh của chính xã miền rừng núi này.
Thiền Sư Pháp Loa là đệ tử xuất sắc của Phật Hoàng – Trần Nhân Tông, bằng sự thông tuệ và nỗ lực phát dương Phật Pháp, ngài trở thành vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Dù thời gian tại thế ngắn ngủi chỉ 47 năm, nhưng thiền sư Pháp Loa đã góp công xây cất nhiều chùa tháp trong nước, truyền bá rộng rãi những lời dạy đức Phật và Trúc Lâm đại sĩ – Trần Nhân Tông, kết nạp nhiều tăng ni, cư sĩ. Ông cũng là người ấn hành Đại tạng kinh để lại nhiều tác phẩm thiền học nổi tiếng như bộ Tam Tổ thực lục nói về tiểu sử 3 vị tổ sư phái Trúc Lâm.
Mùa thu trời quang mây, đi theo con đường từ rừng lên chùa có thể nghe rõ tiếng bước chân dẫm trên lá khô lạo xạo, nghe tiếng gió thổi xạc xào qua tán lá xanh um, như thấy mình bước vào thế giới an nhiên của nhà Phật.
Rừng trên núi Thanh Mai được bảo tồn nguyên vẹn, nên có thể thấy thằn lằn cùng các loại côn trùng chạy trên cả lối đi, con suối nhỏ trong mát róc rách chảy quanh cho ngôi chùa thêm thơ mộng. Không có ồn ào, chỉ có tĩnh lặng cùng mùi hương ổi chín dịu dàng nơi đầu cổng chùa. Vãn cảnh chùa, chiêm bái tượng Phật trong tĩnh lặng cùng khói hương ngan ngát, tiếng chuông chậm rãi thong thả ngân vang.
Chùa cổ nên có nhiều cổ vật quý được xếp hạng cổ vật quốc gia như bốn tấm bia: hai bia đá bốn mặt thời Lê, một bia thời Mạc, và một bia thời Trần là Thanh Mai Viên Thông pháp bi cùng một số các ngôi bảo tháp, có ngôi có thể lưu giữ nhục thân, xá lị của Pháp Loa thiền sư.
Đứng từ sân chùa phóng tầm mắt ra xa nhìn toàn cảnh vùng núi non hiểm địa của Chí Linh, quay mặt lại thấy bóng chùa nghiêng trong nắng sáng, khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Như lời bác trông chùa, nếu đến chùa vào dịp tết Tây sẽ thấy rừng phong lá đỏ tuyệt đẹp, như thể ở quốc gia ôn đới nào đó khi từ chân núi lên tới chùa ngập tràn sắc đỏ của lá phong. Thời điểm ấy, đến với chùa sẽ thấy mọi ưu tư phiền muộn rơi theo chiếc lá màu đỏ, màu vàng, du khách có thể thấy sự bình yên, thanh thản nhờ phong cảnh độc đáo tuyệt đẹp nơi đây.
Tôi ra về mà cảm giác còn lưu luyến vấn vương, lòng thầm hẹn sẽ trở lại nơi đây vào mùa rừng phong đổ lá, mong cảnh sắc nơi đây cứ giữ mãi vẻ thanh bình.